EU tìm cách hợp pháp hóa tài sản bị đóng băng của Nga

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi  - Theo một số chuyên gia pháp lý, việc tịch thu tài sản bị đóng băng của Nga là không hợp pháp theo thông lệ quốc tế, song Liên minh châu Âu (EU) đang tìm cách thay đổi luật.

EU đối mặt thách thức pháp lý nếu tịch thu tài sản đóng băng của Nga. Ảnh: AP
EU đối mặt thách thức pháp lý nếu tịch thu tài sản đóng băng của Nga. Ảnh: AP

Ủy ban châu Âu đang tìm cách hợp pháp hóa tài sản bị đóng băng của chính phủ Nga và giới tài phiệt nước này, nhưng đang gặp thách thức về mặt pháp lý.

Theo một tài liệu được tờ Politico tiết lộ, Ủy ban châu Âu (EC) đang xem xét các khả năng pháp lý để tịch thu tài sản nhà nước và tư nhân Nga để hỗ trợ Ukraine tái thiết sau chiến tranh. Theo tài liệu trên, mục tiêu là "tìm cách tăng cường truy tìm, nhận dạng, đóng băng và quản lý tài sản như các bước sơ bộ cho việc tịch thu". 

Giá trị tịch thu lên đến gần 300 tỷ USD là tài sản của ngân hàng trung ương Nga bị đóng băng, cũng như từ các cá nhân và tổ chức chịu lệnh trừng phạt của EU.

Đề xuất này được nêu ra vào tháng 5 và được chính quyền Kiev, Ba Lan, các nước Baltic và Slovakia lên tiếng ủng hộ. Đến tháng 10 vừa qua, các nhà lãnh đạo EU đã yêu cầu EC tìm kiếm “những giải pháp phù hợp với luật quốc gia và quốc tế” để thu giữ các tài sản của Nga hiện đang bị đóng băng để “hỗ trợ tái thiết Ukraine”.

Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất là hiện không có cơ chế pháp lý nào để tịch thu tài sản Nga. Trước đó, hồi tháng 5, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cũng thừa nhận điều này khi cho biết việc tịch thu tài sản của ngân hàng trung ương Nga “không hợp pháp ở Mỹ” và tại nhiều quốc gia khác.

Nhiều chuyên gia pháp lý cũng bày tỏ sự hoài nghi về khả năng đơn phương tịch thu tài sản của một quốc gia khác theo luật pháp quốc tế hiện hành.

Jan Dunin-Wasowicz, luật sư hãng luật Hughes Hubbard & Reed, nhận xét: “Có thể có cách để EU tịch thu hợp lệ các tài sản bị đóng băng theo luật pháp quốc tế, nhưng nó giống như một con đường dài, hẹp và chưa được khám phá”.

Nhưng những thách thức nói trên cũng không ngăn nổi EU xem xét kế hoạch này. Liên quan đến tài sản cá nhân bị trừng phạt, Brussels sẵn sàng đề xuất việc quy định coi việc trốn tránh lệnh trừng phạt là phạm tội nhằm tạo thuận lợi cho việc tịch thu tài sản - nhưng chỉ trong trường hợp có kết án hình sự.

Mặc dù vậy, ngay cả khi đề xuất trên được thông qua, EU sẽ phải khởi kiện từng vụ tịch thu riêng lẻ, chứng minh chủ sở hữu có mối liên hệ rõ ràng với chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.

Lý do là rất nhiều tài sản này được coi là đầu tư nước ngoài, vốn được hưởng sự bảo vệ chống lại việc sung công mà không được bồi thường và quyền được đối xử công bằng và bình đẳng theo các hiệp ước quốc tế mà Nga tham gia với nhiều nước EU.

Chuyên gia Stephan Schill, Giáo sư về quản trị và luật kinh tế quốc tế tại Đại học Amsterdam (Hà Lan), cho biết: “Để đảm bảo tính pháp lý, cần xác minh ai là chủ sở hữu và họ đã làm gì…”

Liên quan đến khoản dự trữ ngoại hối gần 300 tỷ USD bị đóng băng của Ngân hàng trung ương Nga, chuyên gia Schill cho biết: "Từ góc độ luật pháp quốc tế, chắc chắn rằng, không một quốc gia hay một tổ chức nào được phép sử dụng tài sản của ngân hàng trung ương Nga nếu chưa nhận được sự đồng ý của Nga”.

Theo tài liệu của Politico, EU cũng đang cân nhắc áp dụng "thuế xuất cảnh" đối với tài sản hoặc khoản tiền thu được từ của cải thuộc những cá nhân bị trừng phạt muốn chuyển tài sản của họ ra khỏi EU.

Điều này có thể dẫn đến tranh chấp pháp lý, vì nó sẽ nhắm mục tiêu vào một nhóm cá nhân cụ thể - tức là đi ngược lại các điều khoản không phân biệt đối xử trong luật pháp quốc tế. Và các nạn nhân có thể viện dẫn quyền con người đối với tài sản như một biện pháp tự vệ.

Chuyên gia Schill cho rằng theo luật quốc tế hiện hành, EC không thể sung công tài sản của Nga một cách hợp pháp, chính vì vậy “EU và các quốc gia thành viên đang cố gắng đưa ra luật hình sự mới”.