Theo dữ liệu từ văn phòng thống kê EU (Eurostat), được nhật báo kinh doanh RBK của Nga trích dẫn, Moscow đã cung cấp năng lượng trị giá hơn 29 tỷ euro (khoảng 31,2 tỷ USD) cho EU trong năm ngoái. Con số này giảm ba lần so với năm 2022, khi EU mua năng lượng trị giá hơn 90 tỷ euro của Nga.
EU vẫn tiếp tục nhập khẩu dầu, sản phẩm dầu mỏ và khí đốt tự nhiên của Nga bất chấp việc áp đặt hàng loạt gói trừng phạt chống Moscow liên quan đến chiến dịch quân sự tại Ukraine.
Mặc dù Brussels cấm mua dầu và các sản phẩm dầu mỏ từ Nga, nhưng vẫn thực hiện quyền miễn trừ tạm thời đối với việc nhập khẩu dầu bằng đường biển của Bulgaria cũng như sử dụng đường ống dẫn dầu Druzhba để cung cấp năng lượng cho Hungary, Slovakia và Cộng hòa Séc. Trong khi đó, khí đốt và khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga chưa bị EU áp trừng phạt.
Theo số liệu của RBK, giá trị xuất khẩu hàng hóa của Nga sang khối gồm 27 nước thành viên đạt 50,64 tỷ euro vào năm ngoái, trong khi Nga nhập khẩu 38,32 tỷ euro từ EU.
EU đã áp đặt 12 gói trừng phạt đối với Nga kể từ khi Moscow phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine vào tháng 2/2022. Ủy ban Châu Âu cho biết các biện pháp hạn chế đã khiến kim ngạch thương mại giữa Brussels và Moscow giảm khoảng 147 tỷ euro so với trước thời điểm xảy ra xung đột Nga-Ukraine.
Bộ trưởng Phát triển Kinh tế Nga Maksim Reshetnikov hồi đầu tháng này nói rằng thị phần của EU trong kim ngạch thương mại với Nga đã giảm hơn một nửa - từ 36% xuống 15%. Trong khi đó, kim ngạch thương mại giữa Nga với các quốc gia thân thiện đã tăng từ 46% lên 77%, theo Bộ trưởng Reshetnikov.
EU hiện đang nỗ lực thông qua gói trừng phạt thứ 13 đối với Nga, vốn cần sự ủng hộ của tất cả các quốc gia thành viên trong khối trước 24/2, thời điểm đánh dấu 2 năm ngày Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Tuy nhiên, tờ Financial Times đầu tuần đưa tin Hungary đã từ chối ký vào gói trừng phạt thứ 13 của EU đối với Nga trong cuộc họp của các lãnh đạo khối hôm 14/2.
Các hạn chế được đề xuất sẽ nhắm mục tiêu vào 200 cá nhân và tổ chức, hầu hết đến từ Nga. Bên cạnh đó, lần đầu tiên kể từ khi xung đột Nga - Ukraine leo thang vào đầu năm 2022, các công ty châu Á, gồm 3 từ Trung Quốc và một doanh nghiệp Ấn Độ, đã bị đưa vào danh sách trừng phạt.
EU cáo buộc 4 công ty nói trên đã giúp Moscow “né” các biện pháp kiềm chế của EU, chủ yếu bằng cách cung cấp cho nước này những bộ phận có thể được tái sử dụng để cho máy bay không người lái và các hệ thống vũ khí khác.
Hungary "không đồng ý (với gói trừng phạt mới) do các công ty Trung Quốc là mục tiêu của gói trừng phạt này", một quan chức giấu tên nói với tờ Financial Times hôm 15/2.
Hungary đã có lập trường trung lập kể từ khi xảy ra cuộc xung đột Nga - Ukraine vào tháng 2/2022. Budapest lên án hoạt động quân sự của Moscow, nhưng hạn chế cung cấp vũ khí cho Ukraine, đồng thời kêu gọi giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng. Họ cũng nhiều lần nói rằng các lệnh trừng phạt gây tổn hại cho chính EU nhiều hơn là Nga.