Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

EU với tương lai khó đoán định

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khác với những gì các chính trị gia thường nói thách thức luôn đi kèm với cơ hội, rất khó để tìm ra cơ hội trong cuộc khủng hoảng toàn diện tại Liên minh châu Âu (EU) hiện nay.

Daniel Gros và Richard N. Haass – hai học giả hàng đầu thế giới đã có cái nhìn vô cùng sâu sắc về nguy cơ của Đức và châu Âu với tư cách là “cầu thủ” trong cuộc chơi toàn cầu.
Người di cư tìm mọi cách để tới châu Âu nhưng phía sau hàng rào đó EU cũng phải đối mặt với vấn đề của riêng mình.
Người di cư tìm mọi cách để tới châu Âu nhưng phía sau hàng rào đó EU cũng phải đối mặt với vấn đề của riêng mình.
70 năm sau khi kết thúc Thế chiến thứ II, 1/4 thế kỷ sau khi chấm dứt Chiến tranh Lạnh và khoảng 2 thập kỷ sau các cuộc xung đột tại khu vực Balkan, vai trò lãnh đạo của Đức – nền kinh tế đầu tàu của EU và tương lai của “Lục địa già” trở nên khó dự đoán hơn bao giờ hết. Nguyên nhân chủ yếu là do toàn bộ châu Âu đang đối mặt với không chỉ một mà là nhiều cuộc khủng hoảng khác nhau.

Khủng hoảng trong khủng hoảng

Về kinh tế, ngoài khủng hoảng nợ công, các nước trong khu vực đang tìm mọi cách để thoát khỏi nguy cơ giảm phát sau một thời gian dài tăng trưởng chậm. Nguy hiểm hơn, việc khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) tuy có một đồng tiền chung nhưng lại không có chính sách tài khóa chung, thiết chế kỷ luật ngân sách đã khiến khủng hoảng nợ công quét qua hàng loạt nước. Hy Lạp là nạn nhân gần đây nhất và chắc chắn không phải là nạn nhân cuối cùng nếu hệ thống tài chính của Eurozone vẫn chưa được đặt dưới một luật chơi chính thức.

Về chính trị, việc các đảng bảo thủ, theo đuổi quyết liệt chủ nghĩa dân túy đang gia tăng sức mạnh trên khắp “Lục địa già” là minh chứng rõ ràng nhất về sự thất vọng, nỗi bất an trước tương lai không chắc chắn của người dân. Đặc biệt, kết cục của cuộc đối đầu với Nga tại Ukraine đã khiến châu Âu trở thành kẻ thua cuộc lớn nhất khi các nước thành viên trong khu vực để mất thị trường xuất khẩu nông sản trọng điểm, làm dấy lên các cuộc “biểu tình sữa” hay “biểu tình máy cày” trên khắp châu lục. Tham vọng muốn quay trở lại khu vực Baltic, củng cố vị thế địa chính trị trong bối cảnh chi tiêu quốc phòng bị thu hẹp và chi phí hỗ trợ cho chính quyền Kiev phình to cho thấy các nhà lãnh đạo châu Âu dường như đang tính toán sai lầm thời điểm để “xoay trục”.
Ông Richard N. Haass hiện đang là Chủ tịch Hội đồng quan hệ đối ngoại Mỹ. Trong khi đó, ông Daniel Gross - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chính sách châu Âu ở Brussels (Bỉ) và là tác giả cuốn “A Tale of Two Defaults” (Câu chuyện về hai vụ nỡ nợ).

Cuộc khủng hoảng mới nhất, nguy cấp nhất hình thành từ “dòng chảy” người di cư từ Trung Đông, Bắc Phi đã, đang và tiếp tục ồ ạt tràn vào lãnh thổ các nước châu Âu. Không chỉ xói mòn các nguồn lực về kinh tế - xã hội, khủng hoảng di cư còn phơi bày mâu thuẫn và làm sâu sắc hơn những rạn nứt giữa các thành viên, gây nên những nghi ngại về tính hiệu quả của Hiệp định tự do đi lại, vốn là văn bản pháp lý cốt lõi của EU. Đức và một số nước thành viên chủ chốt của EU đã từng bước vượt qua cuộc khủng hoảng này nhưng theo hướng không bền vững. Với trung bình khoảng 8.000 người tị nạn được tiếp nhận mỗi ngày, thách thức về các điều kiện sống cơ bản, nguồn lực để chăm sóc y tế, giáo dục… sẽ tích tụ và thách thức nguồn lực của các nước. Bên cạnh vấn đề giữa các nước thành viên, cuộc khủng hoảng di cư cũng đặt ra câu hỏi về mối quan hệ giữa EU với Mỹ khi đồng minh chiến lược và quan trọng nhất của Liên minh dường như vẫn đang đứng ngoài cuộc chơi.

Thách thức quyền lực 

Trong tình cảnh khó khăn hiện nay, vai trò lãnh đạo Liên minh của Đức, vốn được duy trì tuyệt đối suốt từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 đang dần suy yếu và tác động sâu rộng đến tình hình EU. Suốt 12 năm trong tổng số 20 năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Đức luôn thấp hơn so với mức bình quân của “bộ Tam” gồm 3 nền kinh tế lớn khác trong Eurozone là Pháp, Italia và Tây Ban Nha. Mặc Đức vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng ổn định trong giai đoạn hậu khủng hoảng nhưng các chuyên gia của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán, trong 5 năm tới, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế đầu tàu khu vực sẽ xuống dưới mức trung bình của “bộ Tam” và thậm chí là của cả EU, bao gồm cả những nước “vùng trũng” ở Trung và Đông Âu.

Tất nhiên, Đức vẫn có một số lợi thế rõ ràng nhưng nó không hỗ trợ nhiều cho “sức khỏe” của nền kinh tế này như chúng ta vẫn tưởng. Đầu tiên là thị trường việc làm vẫn đang tăng trưởng khá, trái ngược với tỷ lệ thất nghiệp thường ở mức 2 con số ở nhiều nước EU. Nhưng triển vọng của thị trường việc làm Đức là không mấy sáng sủa khi kinh tế tăng trưởng thấp, dân số già hóa trong khi lực lượng lao động di cư – niềm hy vọng chủ yếu của nước này lại thiếu kiến thức và kỹ năng cần thiết.

Nguồn dự trữ tài chính lớn cũng là một ưu điểm của Đức nhưng nó lại tạo ra một nguy cơ lớn hơn là buộc nước này phải trở thành “chủ nợ” bất đắc dĩ trong các cuộc giải cứu những nước thành viên EU đang vướng phải nợ nần. Điều đáng quan ngại hơn là với việc lãi suất được duy trì ở mức thấp kỷ lục gần bằng 0, nguồn tiết kiệm dồi dào này của Đức gần như không đem lại lợi nhuận. Và khi cơn bão tài chính đã giảm bớt cường độ, Đức mất đi cơ hội để chứng minh sức mạnh chính trị cả trong và ngoài khu vực châu Âu nhờ kho tiền khổng lồ của mình.

Trong lúc chu kỳ kinh doanh trên toàn cầu đang có dấu hiệu khởi sắc trở lại, Đức dường như đang bị bỏ lại phía sau khi phụ thuộc quá nhiều vào “sức khỏe” của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới – Trung Quốc và một số nước mới nổi khác. Sự thay đổi và những thách thức đối với Đức - động lực kinh tế và chính trị của châu Âu có thể tác động lớn đến EU và đặc biệt là Eurozone. Một nước Đức mạnh có thể gia tăng sức ép buộc Eurozone phải tái cơ cấu và thực hiện các biện pháp kiểm soát tài chính chặt chẽ hơn. Một nước Đức đủ mạnh cũng có thể gây áp lực buộc chính quyền Anh quốc không thực hiện các bước đi nhằm hiện thực hóa tham vọng “thoát ly” khỏi EU và giữ cho Liên minh này tồn tại một cách toàn vẹn, bền vũng.

Dù đối mặt với nhiều khó khăn và không ít thách thức, châu Âu vẫn chiếm 1/4 sản lượng kinh tế thế giới và vẫn là một trong các đối tác lớn nhất của Mỹ. Vì thế việc EU vượt qua được những thách thức về kinh tế, chính trị, an ninh và nhân khẩu học chỉ là vấn đề thời gian. Tất nhiên, trải qua cuộc “sàng lọc” của lịch sử này, EU và nước Đức khó có thể bảo toàn được sức mạnh, vai trò và vị thế nhưng đây vẫn là những yếu tố không thể thiếu trong bức tranh địa chính trị toàn cầu đang được vẽ lại.