Eurowindow Holding: Từ cửa sổ châu Âu đến cuộc chơi địa ốc tỷ USD

Theo Lệ Trần (tạp chí Đầu tư tài chính)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Dù không quá nổi bật so với các tập đoàn có gốc Đông Âu như Vingroup, Sun Group hay Sovico, song việc sở hữu quỹ đất lên đến hàng nghìn ha trên cả nước cũng cho thấy tầm vóc của Eurowindow Holding trên thị trường bất động sản.

 Tòa nhà văn phòng của Eurowindow Holding tại số 2 Tôn Thất Tùng, Hà Nội.
Tòa nhà văn phòng của Eurowindow Holding tại số 2 Tôn Thất Tùng, Hà Nội.

Đưa cửa sổ nhựa châu Âu vào Việt Nam

Cũng như nhiều đại gia Đông Âu khác, ông chủ của Eurowindow Nguyễn Cảnh Sơn là một người khá bí ẩn, hiếm khi xuất hiện trên các phương tiện truyền thông. Em trai ông Sơn là Nguyễn Cảnh Hồng, đảm nhiệm chức vụ tổng giám đốc, thường xuất hiện với vai trò người đại diện cho công ty.

Trước khi về Việt Nam đầu tư, anh em doanh nhân Nguyễn Cảnh Sơn - Nguyễn Cảnh Hồng là những tỷ phú Việt kiều Đông Âu. Ông Sơn sang Liên Xô học vào thời kỳ quốc gia này sắp tan rã. Sau khi học xong kinh doanh tại Moscow vào năm 1994, ông thành lập Công ty T&M Trans.

Doanh nghiệp có trụ sở tại Cộng hòa Liên bang Đức, Nga, Trung Quốc và một số nước khác trên thế giới. Lúc mới khởi nghiệp, ông Sơn cung cấp các dịch vụ hải quan, chủ yếu giữa Việt Nam, Nga và Trung Quốc.

Đến những năm đầu của thập niên 2000, tại Việt Nam chưa có khái niệm về cửa nhựa lõi thép mà người dân chủ yếu sử dụng cửa gỗ truyền thống hay cửa nhôm. Nhìn thấy khoảng trống thị trường, ông Nguyễn Cảnh Sơn đã thành lập công ty Eurowindow để cung cấp loại cửa này tại thị trường Việt Nam.

Theo lời kể của ông Nguyễn Cảnh Hồng, lúc đó, nhiều người thường chọn cách đi an toàn, lao vào những lĩnh vực đã có thị trường, nhưng anh trai và ông thì lại khác. Cả 2 chủ động tìm hiểu, dự đoán nhu cầu của thị trường và chọn sản phẩm cửa sổ nhựa châu Âu để đưa vào thị trường Việt Nam.

“Sản phẩm này được ưa chuộng ở châu Âu và nhiều nước châu Á, vậy thì lý nào lại không thành công ở Việt Nam, một nước đang có tốc độ phát triển nhanh, vững chắc, đời sống người dân đang dần được nâng cao. Tuy nhiên, cái khó là chúng tôi phải tạo ra thị trường, vì lúc đó thị trường sản phẩm cửa nhựa gần như là con số 0. Người ta bảo gỗ đầy ra đấy, ai dùng cửa nhựa nhà ông”, ông Hồng từng kể.

Điều bị đa số cho là không khả thi ấy, chỉ sau một thời gian ngắn lại thành cực kỳ khả thi. Công ty Eurowindow đã phát triển nhanh đến không ngờ. Nếu năm 2003, Eurowindow chỉ có doanh thu khiêm tốn khoảng 20 tỷ đồng/năm thì đến năm 2008, doanh thu đã đạt 475 tỷ đồng, nhờ hưởng lợi lớn từ việc thị trường bùng nổ và cửa nhựa lõi thép trở thành sản phẩm phổ biến.

Trong giai đoạn này, năm 2007, cùng với việc nhận đầu tư từ quỹ Private Equity New Markets (PENM), hoạt động kinh doanh cửa của Eurowindow được vận hành với tên Công ty Cổ phần Eurowindow như hiện nay.

Sau hơn 20 năm hoạt động, Eurowindo đã chiếm thị phần lớn về sản phẩm cửa tại thị trường trong nước. Công ty cung cấp cửa nhôm, vách nhôm kính lớn, cửa gỗ, cửa nhôm gỗ, cửa gỗ chống cháy, cửa cuốn, cửa tự động, cửa thủy lực, các sản phẩm kính...

Lĩnh sực sản xuất cửa sổ nhựa, gắn liền với thương hiệu cửa sổ Eurowindow vẫn là lĩnh vực anh em doanh nhân Nguyễn Cảnh Sơn và Nguyễn Cảnh Hồng ghi được dấu ấn lớn nhất, được cộng đồng biết đến nhiều nhất. Thế nhưng, hoạt động đầu tư của anh em doanh nhân Nguyễn Cảnh Sơn và Nguyễn Cảnh Hồng đã có sự thay đổi đáng kể theo xu hướng chuyển dịch sang lĩnh vực bất động sản.

Tài sản đang chuyển dần sang địa ốc

Những năm trở lại đây, Eurowindow Holding đẩy mạnh phát triển ở mảng bất động sản thông qua các doanh nghiệp trong hệ sinh thái, với quỹ đất “khủng” trải dài từ Bắc vào Nam ở cả phân khúc bất động sản thương mại và phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng.

Ở phân khúc bất động sản thương mại, một số dự án gắn liền với tên tuổi Eurowindow Holding đã hoàn thành và đi vào hoạt động như: tổ hợp đa chức năng Hà Nội - Matxcova (Liên bang Nga), tổ hợp đa chức năng Eurowindow Multi Complex (Cầu Giấy, Hà Nội), trung tâm thương mại Vicentra (Vinh, Nghệ An), trung tâm thương mại Melinh PLAZA (Mê Linh, Hà Nội), trung tâm thương mại Melinh PLAZA Hà Đông (Hà Đông, Hà Nội), tòa nhà văn phòng Eurowindow Office Building (Đống Đa, Hà Nội), tòa nhà chung cư Eurowindow Tower Nghệ An (Vinh, Nghệ An), tòa tháp Thành Công - 57 Láng Hạ (Hà Nội), khu đô thị Nghĩa Đô (Từ Liêm, Hà Nội), khu đô thị Eurowindow River Park (Hà Nội), khu đô thị Eurowindow Garden City (Thanh Hóa).

Ở phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng, Eurowindow Holding có 2 dự án lớn tại Khánh Hòa là dự án 33,3ha tại bán đảo Cam Ranh và dự án Wonder City Vân Phong Bay có tổng diện tích 455ha (cả đất liền và mặt biển), vốn đầu tư 10.000 tỷ đồng. Ở Quảng Bình, Eurowindow Quảng Bình Luxury triển khai xây dựng dự án khu du lịch nghỉ dưỡng Quảng Xuân Luxury có diện tích 147ha.

Cũng vài năm trở lại đây, Eurowindow Holding đẩy mạnh phát triển nhiều dự án đô thị quy mô lớn. Điển hình vào tháng 10/2020, liên danh Eurowindow Holding – Công ty Cổ phần Xây dựng và Quản lý dự án số 1 (PCM1) đã trúng thầu dự án khu đô thị mới tại xã Hoằng Quang và xã Hoằng Long, TP. Thanh Hóa quy mô 176 ha, tổng mức đầu hơn 12.622 tỷ đồng.

Cuối năm 2020, Liên danh Công ty TNHH Thăng Long - PCM1 đã được UBND tỉnh Yên Bái chấp thuận làm chủ đầu tư dự án xây dựng kinh doanh nhà ở (chỉnh trang đô thị) khu vực cầu Tuần Quán, phường Yên Ninh, TP. Yên Bái. Tới đầu năm 2021, Thăng Long đã liên danh với công ty con của Eurowindow Holding là Công ty Cổ phần Eurowindow Quảng Bình Five Star để làm dự án khu đô thị Eurowindow Grand City có vốn 440 tỷ đồng.

Cùng với đó liên danh Eurowindow Holding-PCM1 đã trúng dự án xây dựng khu đô thị mới tại phường Đông Vĩnh và phường Cửa Nam quy mô 4.000 tỷ đồng tại Nghệ An. Chưa dừng lại ở đó, đầu năm 2022, Thăng Long và Công ty Cổ phần Đầu tư du lịch Eurowindow Nha Trang cũng tiến hành thực hiện dự án khu đô thị tại xã Nghi Phú và xã Hưng Lộc với diện tích 10,5ha, chi phí thực hiện 1.134 tỷ đồng tại TP. Vinh.

Vào tháng 8/2023, nhóm liên danh có thành viên của Eurowindow đã trúng dự án khu đô thị có diện tích 86.000m2, tổng mức đầu tư hơn 7.000 tỷ đồng tại Long An. Đặc biệt, nhóm doanh nghiệp của Eurowindow cũng đang nắm 2 dự án khu đô thị trọng điểm tại Thái Bình có tổng quy mô hơn 160ha, tổng mức đầu tư 10.000 tỷ đồng.

Quỹ đất của Eurowindow theo thống kê trên đây lên tới cả nghìn ha, vốn đầu tư nhiều chục nghìn tỷ đồng, cho thấy tham vọng lớn của tập đoàn thuộc sở hữu anh em doanh nhân quê Nghệ An Nguyễn Cảnh Sơn - Nguyễn Cảnh Hồng. Từ năm 2020 đến năm 2022, tổng tài sản của công ty đã liên tục gia tăng, từ 14.824 tỷ đồng lên 16.145 tỷ đồng (tương đương tăng 9%), đến 30/6/2023 là 15.274 tỷ đồng.

Hoạt động đầu tư đa ngành từ cửa sổ nhựa, trung tâm thương mại, đến xây dựng và bất động sản…. Eurowindow còn có “tiếng nói’”đáng kể ở Techcombank – nhà băng hàng đầu trong nhóm ngân hàng tư nhân, nơi ông Nguyễn Cảnh Sơn đã ngồi ghế phó chủ tịch HĐQT qua nhiều nhiệm kỳ. Một số nhân sự chủ chốt khác trong hệ sinh thái Eurowindow cũng nắm trọng trách ở Techcombank.

Tầm ảnh hưởng của nhóm Eurowindow không chỉ dừng lại ở Techcombank. Nhóm này có nhiều giao dịch với một ngân hàng thương mại cổ phần thuộc tốp đầu thị trường khác. Ông chủ nhà băng này vốn gắn bó với ông “Sơn Eurowindow” từ thuở còn ngang dọc ở Đông Âu.