Theo đó, 3 dịch vụ này cho phép kết nối, triển khai cung cấp trên Cổng DVCQG ngay trong giai đoạn đầu là: Cấp điện mới từ lưới điện trung áp; Cấp điện mới mới từ lưới điện hạ áp và thanh toán tiền điện. Cổng DVCQG có địa chỉ truy cập duy nhất: www.dichvucong.gov.vn. Theo lộ trình, trong năm 2019, Cổng DVCQG kết nối, tích hợp với Cổng dịch vụ công và hệ thống một cửa điện tử các Bộ, ngành, địa phương để thí điểm cung cấp một số dịch vụ công trực tuyến.
Nỗ lực ứng dụng công nghệ
3 dịch vụ điện được Văn phòng Chính phủ cho phép kết nối, cung cấp trên Cổng DVCQG nhân dịp khai trương đều là những dịch vụ điện thiết yếu đối với nhu cầu sinh hoạt, sản xuất – kinh doanh của các cá nhân, tổ chức. Với các dịch vụ điện này, khi thực hiện giao dịch qua Cổng DVCQG, hồ sơ, thủ tục của khách hàng sẽ được đơn giản hóa và thuận tiện. Một số giấy tờ như: Giấy đề nghị mua điện, giấy tờ tùy thân sẽ được thay thế bằng các thông tin người dùng đã được Cổng DVCQG xác thực và định danh. Qua đó, giúp người dân và khách hàng giảm thời gian thực hiện các giao dịch, đồng thời có thể giám sát quá trình thực hiện và đánh giá, phản ánh về các hoạt động cung cấp dịch vụ của ngành Điện.
Trong tổng số 8 dịch vụ công trực tuyến được công bố triển khai tại Cổng DVCQG, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có 3 dịch vụ điện được Văn phòng Chính phủ lựa chọn. |
Thời gian vừa qua, thực hiện Quyết định số 274/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 12/3/2019 về phê duyệt đề án Cổng DVCQG, EVN đã chủ động, tích cực phối hợp cùng Văn phòng Chính phủ, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam hoàn thành triển khai tích hợp để cung cấp dịch vụ điện trên Cổng DVCQG.
EVN cùng các đơn vị trực thuộc là 5 Tổng công ty Điện lực và Công ty Viễn thông Điện lực và CNTT (EVNICT) đã thực hiện tích hợp, chia sẻ dữ liệu, kết nối liên thống Hệ thống thông tin quản lý khách hàng (CMIS), website chăm sóc khách hàng, cổng thanh toán của 5 Tổng công ty Điện lực với Cổng DVCQG. EVN cũng đã rà soát, chuẩn hóa, đơn giản hóa quy trình cung cấp dịch vụ trên Cổng DVCQG, xây dựng và liên kết phần tra cứu tiến độ cấp điện trên web chăm sóc khách hàng với Cổng DVCQG.
Để đáp ứng được yêu cầu kết nối với Cổng DVCQG, nhất là trong thời đại công nghiệp 4.0, EVN đã tích cực ứng dụng CNTT và từng bước số hóa các dịch vụ, nhằm nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng, ứng dụng chuyển đổi số mạnh mẽ với phương châm “Lấy khách hàng làm trung tâm mọi hoạt động”.
Từ năm 2013, EVN là đơn vị đầu tiên trong cả nước đã áp dụng hóa đơn điện tử và phối hợp cùng các ngân hàng, tổ chức trung gian tích cực thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt với các hình thức như: Trích nợ tự động, thanh toán qua Internet banking, ví điện tử,… Từ năm 2015, hàng năm EVN đều nỗ lực nâng cấp mức độ dịch vụ điện trực tuyến lên mức cao hơn (từ mức độ 1 và 2 trong tháng 12/2015 lên mức độ 3 trong tháng 12/2017) và ngày 21/12/2018 EVN đã chính thức công bố cung cấp các “Dịch vụ điện trực tuyến” mức độ 4, đây là mức độ cao nhất trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo quy định của Chính phủ điện tử, tạo được sự thuận lợi, minh bạch và tiện ích đến khách hàng.
Đến nay EVN đã thực hiện phối hợp với 39/63 tỉnh, thành phố xây dưng quy chế phối hợp “một cửa liên thông” trong cấp điện mới qua lưới điện trung áp, toàn bộ các dịch vụ điện của EVN được cung cấp tại Trung tâm Hành chính công/Cổng Dịch vụ công trực tuyến 63 tỉnh, thành trên cả nước.
Hiện tại, EVN đã sẵn sàng cung cấp hợp đồng mua bán điện và các dịch vụ điện bằng phương thức điện tử cho tất cả các dịch vụ điện từ dịch vụ cấp điện mới, đến các dịch vụ thay đổi trong quá trình thực hiện hợp đồng mua bán điện. Khách hàng sẽ ký các hồ sơ điện tử, được thực hiện theo phương thức nhận mật khẩu một lần (OTP) qua tin nhắn điện thoại hoặc email, chữ ký số; nhờ đó, tối đa trải nghiệm tiện ích cho khách hàng.
Thúc đẩy chuyển đổi số
Những bước tiến mạnh mẽ của EVN trong việc áp dụng các phương thức giao dịch điện tử trong nhiều năm qua đã được người dân và cộng đồng ghi nhận. Ngày 6/9/2019, EVN cùng một số đơn vị của ngành điện đã được nhận giải thưởng Doanh nghiệp chuyển đổi số xuất sắc Việt Nam 2019 của Hội Truyền thông số Việt Nam. Trong nhiều năm qua, EVN đã chủ động tham gia chuyển đổi số một cách toàn diện với quyết tâm cao để góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số diễn ra nhanh chóng và sớm đạt được mục tiêu đề ra.
Năm 2019 tiếp tục ghi nhận chỉ số tiếp cận điện năng duy trì đà tăng về điểm số năm thứ 6 liên tiếp với số điểm là 88,2 điểm (tăng 0,26 điểm so với năm 2018 là 87,94 điểm), đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN - nằm trong nhóm ASEAN-4, đồng thời duy trì vị trí xếp hạng 27 trên tổng số 190 quốc gia và nền kinh tế. Xét riêng về số thủ tục và thời gian thực hiện cung cấp điện của ngành Điện thì Việt Nam đứng thứ 2 trong khu vực ASEAN.
Cổng DVCQG đã hỗ trợ EVN trong việc chuẩn hóa, thống nhất cung cấp dịch vụ điện trực tuyến, hỗ trợ triển khai cơ chế “một cửa liên thông” giữa ngành Điện và cơ quan quản lý nhà nước, Cổng DVCQG hỗ trợ EVN qua việc sử dụng các nền tảng xác thực, định danh điện tử, nền tảng thanh toán điện tử, chia sẻ dữ liệu phục vụ việc giải quyết thủ tục để EVN tiếp tục quá trình đơn giản hóa việc cung cấp dịch vụ điện với định hướng “số hóa toàn bộ hoạt động kinh doanh & dịch vụ khách hàng” để “điện tử hóa các giao dịch với khách hàng hàng”.
Việc cung cấp dịch vụ điện qua Cổng DVCQG sẽ là kênh thông tin quan trọng để EVN có thể lắng nghe và thu thập ý kiến khách hàng để từ đó có các hoạt động điều hành nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ khách hàng, đồng thời hỗ trợ việc công khai, minh bạch các dịch vụ điện của EVN. Tập đoàn Điện lực Việt Nam trân trọng cám ơn và rất mong tiếp tục nhận được sự ủng hộ, các ý kiến góp ý của khách hàng sử dụng điện, các cơ quan tổ chức xã hội, các cơ quan truyền thông về mọi hoạt động sản xuất kinh doanh để Tập đoàn tiếp tục hoàn thiện hơn nữa, đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của xã hội trong công tác dịch vụ khách hàng.