Theo đánh giá mới đây của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), năm 2015, để bảo đảm mục tiêu tăng trưởng GDP của cả nước đạt 6,2%, EVN dự báo phụ tải điện có thể đạt đạt 26.000MW. Với tổng công suất nguồn điện toàn hệ thống hiện có khoảng 34.000MW thì năm 2015 sẽ là năm thứ ba liên tiếp, hệ thống điện quốc gia có dự phòng công suất.
Theo ông Dương Quang Thành - Phó Tổng Giám đốc EVN, năm 2015 có thuận lợi là nhiều công trình lưới điện quan trọng trước đó đã được đưa vào vận hành, trong đó có các dự án tăng cường truyền tải Bắc - Nam. Cụ thể, 6 công trình nguồn điện và 40 công trình truyền tải điện đã được hoàn thiện, góp phần bảo đảm điện cho miền Nam và giữ an toàn vận hành của hệ thống. Ngoài ra, EVN cũng đặc biệt coi trọng việc vận hành an toàn, nhất là hệ thống 500kV Bắc - Nam trong điều kiện truyền tải cao cho miền Nam, đưa vào vận hành đúng tiến độ các công trình lưới điện.
Để sẵn sàng đáp ứng cho khả năng nhu cầu điện tăng cao hơn, EVN đặt mục tiêu, năm 2015 sẽ sản xuất và mua 156,9 tỷ kWh tăng 10,3% so với năm 2014. Trong đó, điện thương phẩm đạt 141,8 tỷ kWh, tăng 10,4%; đầu tư xây dựng với tổng giá trị thực hiện khoảng 127.533 tỷ đồng; trả nợ gốc và lãi vay khoảng 30.873 tỷ đồng.
Tuy nhiên, thách thức lớn nhất hiện nay của EVN là việc các nguồn phát điện phân bố không đều: Dư thừa công suất tập trung ở miền Bắc, nhiều dự án nguồn điện phía Nam vẫn chậm tiến độ, trong khi tăng trưởng phụ tải lớn lại tập trung ở khu vực này. Vì vậy, một nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2015 của ngành điện là tập trung các giải pháp để bảo đảm cấp điện cho toàn hệ thống, nhất là cho miền Nam trong giai đoạn cao điểm mùa khô. Bên cạnh đó, trong bối cảnh vẫn còn những yếu tố chi phí đầu vào sản xuất, kinh doanh điện năm 2014 trở về trước chưa được đưa vào cân đối giá điện, đại diện EVN cũng cho rằng, từng đơn vị cần thực hiện nghiêm túc các chỉ tiêu nhiệm vụ về tối ưu hóa chi phí, triệt để tiết kiệm chi phí và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn để giảm giá thành sản xuất, kinh doanh điện. Bộ Công Thương cũng đã yêu cầu EVN cần đặc biệt quan tâm đến các giải pháp giảm tổn thất điện năng, gắn với tiết kiệm điện. Mục tiêu giảm tổn thất điện năng từ 8,6% xuống 8% trong năm 2015. Bên cạnh đó, ngành điện cũng cần thực hiện ngay một số giải pháp như nâng cao năng suất lao động, tổ chức lại bộ máy, tăng cường ứng dụng các thành tựu về khoa học - công nghệ...
Kinhtedothi - Kiểm tra, bảo dưỡng trạm biến áp 110kV Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Ảnh: Ngọc Hà |