KTĐT - Trong đề xuất của mình EVN muốn 3 mạng di động đại gia gồm Viettel, MobiFone và VinaPhone chia sẻ sóng 3G và 2G để được roaming dịch vụ tại các điểm sóng của họ chưa phủ tới.
Tập đoàn Điện lực VN (EVN) vừa kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông về nguyện vọng 'mượn sóng' các mạng di động trong nước. Theo EVN, việc dùng chung sóng sẽ giúp doanh nghiệp giảm chi phí đầu tư.
Trong đề xuất của mình EVN muốn 3 mạng di động đại gia gồm Viettel, MobiFone và VinaPhone chia sẻ sóng 3G và 2G để được roaming dịch vụ tại các điểm sóng của họ chưa phủ tới.
Cơ sở để EVN đưa ra đề xuất trên xuất phát từ việc 3 hãng viễn thông đại gia VinaPhone, MobiFone và Viettel đang đầu tư hàng tỷ đôla để đầu tư cho mạng di động 3G mà chưa tận dụng hết. Trong khi đó, EVN Telecom cũng thắng thầu giấy phép mạng 3G và họ cũng bắt đầu cung cấp dịch vụ tại một số thành phố lớn.
Tại hồ sơ thi tuyển 3G, tổng vốn đầu tư mà 4 doanh nghiệp cam kết vào khoảng 4 tỷ đôla (tương đương với khoảng một tỷ đôla mỗi mạng). Trong giai đoạn đầu, các hãng viễn thông sẽ đầu tư khoảng 1,7 tỷ USD với 15.000 trạm thu phát sóng 3G. Các năm tiếp theo, 4 hãng di động sẽ đầu tư thêm khoảng 2,5 tỷ USD nữa để hoàn thiện mạng 3G với khoảng 30.000 trạm thu phát sóng.
EVN cho rằng, nếu được sử dụng chung cơ sở hạ tầng bằng cách roaming các mạng 3G và 2G, các mạng di động sẽ tiết kiệm được khoảng ít nhất một tỷ USD.
Đây là lần thứ 2, đại gia điện lực này đề cập đến chuyện "góp gạo thổi cơm chung" với các mạng di động khác. Hồi tháng 1/2010, giữa lúc câu chuyện giá thuê cột điện giữa các doanh nghiệp viễn thông chưa ngã ngũ thì EVN cũng đề xuất Bộ Thông tin và Truyền thông "có lời" với các hãng viễn thông đại gia để hãng được "mượn sóng" di động.
Tại thời điểm ấy, EVN nói rằng dùng chung cơ sở hạ tầng của các mạng thông tin di động là một xu thế mà nhiều nơi trên thế giới đang tích cực triển khai, nhằm giảm chi phí đầu tư. Hiện nay, các mạng di động GSM Việt Nam đều đã roaming với các mạng di động GSM của hầu hết các quốc gia trên thế giới, tạo điều kiện rất thuận lợi cho khách hàng khi đi ra nước ngoài...
Do vậy, EVN đề nghị các doanh nghiệp lớn cho phép hãng được roaming cuộc gọi, nhằm hỗ trợ khách và giúp EVN Telecom tiết giảm chi phí. Nghĩa là các thuê bao của EVN có thể "mượn sóng" của các nhà cung cấp khác khi di chuyển trong các vùng không có sóng EVN Telecom. Ngoài việc roaming, EVN cũng mong muốn Bộ Thông tin và Truyền thông nghiên cứu giảm 50% chi phí kết nối dịch vụ VoIP quốc tế khi phải kết nối tới các doanh nghiệp viễn thông chiếm thị phần khống chế.
Trao đổi với PV lãnh đạo Viettel Telecom cho rằng đúng là hãng đang đầu tư cực lớn cho mạng lưới, vùng phủ sóng và trạm BTS cho dịch vụ 3G. Tuy nhiên, việc đầu tư "khủng" này là nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng chứ không phải đổ tiền ra để cho các doanh nghiệp khác sử dụng. Hơn nữa, dịch vụ di động rất khó dự báo tình hình thuê bao di chuyển ra sao, đặc biệt là thuê bao của mạng khác để đầu tư đảm bảo chất lượng dịch vụ.
Vị lãnh đạo Viettel cho biết cạnh tranh trong lĩnh vực di động quan trọng nhất vẫn là chất lượng mạng. Do vậy, việc đầu tư để có một mạng di động phủ sóng rộng khắp như Viettel không phải là chuyện dễ dàng. "Cho đến nay, việc phủ sóng 3G và 2G rộng đang là lợi thế cạnh tranh của Viettel”, ông nói.
Một lãnh đạo VinaPhone thì phân tích hiện nay việc quản lý khách hàng tại các mạng di động tuân thủ các chế độ rất nghiêm ngặt. Từng giờ, từng phút, các hãng phải kiểm soát được lưu lượng cuộc gọi, tin nhắn, vùng di chuyển của các thuê bao... nếu cho các thuê bao EVN "nương nhờ", sẽ rất rắc rối.
Hiện chỉ có anh em nhà VNPT - VinaPhone và MobiFone thực hiện việc roaming tại những điểm mà hai bên chưa phủ sóng tới, cho dù Bộ Thông tin và Truyền thông đã hơn một lần kêu gọi các mạng dùng chung hạ tầng.
Theo tìm hiểu của PV lý do khác khiến các hãng viễn thông ngại nói chuyện chia sẻ hạ tầng là chi phí đầu tư cho các trạm BTS rất lớn, trong khi đó, cuộc đua giữa các mạng di động hiện nay không còn là vấn đề giá cước mà là chất lượng. Trong khi đó, yếu tố quyết định đến chất lượng hiện nay lại là vùng phủ sóng.
Hiện nay, thị trường viễn thông có 7 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ di động, gồm VinaPhone, MobiFone, Viettel, S-Fone, EVN Telecom, Vietnamobile và Beeline. Trong đó, 3 hãng viễn thông chiếm thị phần khống chế, khoảng 90% gồm Viettel, VinaPhone, MobiFone. Thị phần còn lại thuộc về 4 mạng di động tiểu gia.