KTĐT - Theo EVN, dùng chung cơ sở hạ tầng của các mạng thông tin di động là một xu thế mà nhiều nơi trên thế giới đang tích cực triển khai, nhằm giảm chi phí đầu tư.
Đối mặt với nguy cơ "về hưu sớm", EVN vừa có lời "nhờ" Bộ Thông tin và Truyền thông có ý kiến để các đại gia viễn thông san sẻ hạ tầng, cho phép công ty con của mình được roaming dịch vụ với các mạng di động khác.
Đây được coi là biện pháp hữu hiệu để mạng di động - 096 - EVN Telecom có cơ cạnh tranh trên thị trường viễn thông đang bước vào giai đoạn cạnh tranh khốc liệt. Trong khi đó, EVN Telecom đang dần mất khách do những trở ngại về mặt công nghệ và rắc rối của băng tần thấp hay bị can nhiễu. EVN Telecom là một trong 2 mạng di động đang sử dụng công nghệ CDMA, bên cạnh S-Fone.
Theo EVN, dùng chung cơ sở hạ tầng của các mạng thông tin di động là một xu thế mà nhiều nơi trên thế giới đang tích cực triển khai, nhằm giảm chi phí đầu tư. Hiện nay, các mạng di động GSM Việt Nam đều đã roaming với các mạng di động GSM của hầu hết các quốc gia trên thế giới, tạo điều kiện rất thuận lợi cho khách hàng khi đi ra nước ngoài... Do vậy, EVN đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông "có lời" với các doanh nghiệp lớn cho phép hãng được roaming cuộc gọi, nhằm hỗ trợ khách và giúp EVN Telecom tiết giảm chi phí. Nghĩa là các thuê bao của EVN có thể "mượn sóng" của các nhà cung cấp khác khi di chuyển trong các vùng không có sóng EVN Telecom.
Lâu nay việc roaming giữa các mạng di động chỉ được thực hiện với các thuê bao di chuyển ngoài vùng lãnh thổ VN. VNPT là đơn vị duy nhất cách đây vài năm đã cho phép hai người con VinaPhone và MobiFone được roaming với nhau bằng việc sử dụng chung các trạm BTS. Tuy nhiên, việc roaming này cũng chỉ được thực hiện ở những vùng không có sóng của một trong hai mạng. Nghĩa là khi các thuê bao VinaPhone di chuyển vào những vùng không có sóng sẽ được tự động chuyển sang dùng sóng của MobiFone và ngược lại. Đây được xem là hình thức thỏa thuận để mượn sóng của nhau.
Ngoài việc roaming, EVN cũng mong muốn Bộ Thông tin và Truyền thông nghiên cứu giảm 50% chi phí kết nối dịch vụ VoIP quốc tế khi phải kết nối tới các doanh nghiệp viễn thông chiếm thị phần khống chế. Hiện nay, VinaPhone, Viettel và MobiFone đang chiếm thị phần khống chế trong lĩnh vực di động, còn VNPT khống chế trong lĩnh vực điện thoại cố định. "Chúng tôi đang phải chi trả tới trên 90% doanh thu cho cước kết nối dịch vụ VoIP quốc tế. Do vậy, kinh doanh của chúng tôi gần như không có lãi", quan chức EVN nói.
Kiến nghị của EVN về việc chia sẻ hạ tầng khiến cho giới kinh doanh di động "phì cười". Bởi lẽ, chính EVN đang phàn nàn chuyện các hãng viễn thông ăn nhờ ở đợ, sống kiếp tầm gửi trên hệ thống cột điện của hãng và quyết định tăng giá thuê lên 4-8 lần. Nay gặp khó khăn trong lĩnh vực viễn thông, hãng lại quay sang xin cơ quan quản lý có ý kiến để nhà mạng chia sẻ hạ tầng.
Lãnh đạo một hãng viễn thông chiếm trên 30% thị phần di động tuyên bố thẳng: "Không có chuyện roaming giữa chúng tôi với EVN Telecom vì việc làm này liên quan đến bảo mật và ảnh hưởng đến mạng lưới. EVN không thể thấy nhà người khác thừa 2 tầng thì đề nghị Bộ chủ quản ép chủ nhà cho thuê", vị quan chức này nói thêm.
Ông phân tích hiện nay việc quản lý khách hàng tại các mạng di động tuân thủ các chế độ rất nghiêm ngặt. Từng giờ, từng phút, các hãng phải kiểm soát được lưu lượng cuộc gọi, tin nhắn, vùng di chuyển của các thuê bao... nếu cho các thuê bao EVN "nương nhờ", sẽ rất rắc rối. Bản chất thuê bao di động là di chuyển từ nơi này đến nơi khác, không ổn định, nếu tại nơi đông người, hệ thống ở mức căng mà có thêm một lượng khách hàng EVN roaming, rất có thể sẽ xảy ra các sự cố mạng. "Theo tôi được biết, roaming giữa các hãng viễn thông trong nước không bắt buộc mà trên cơ sở thỏa thuận và chia sẻ hạ tầng giữa các doanh nghiệp", vị quan chức này nói.
Một lý do khác khiến các hãng viễn thông ngại nói chuyện chia sẻ hạ tầng là chi phí đầu tư cho các trạm BTS rất lớn, trong khi đó, cuộc đua giữa các mạng di động hiện nay không còn là vấn đề giá cước mà là chất lượng. Trong khi đó, yếu tố quyết định đến chất lượng hiện nay lại là vùng phủ sóng.
"Nếu EVN không bỏ tiền đầu tư mà vẫn có sóng toàn quốc thì theo tôi các doanh nghiệp mới chỉ cần mua một cái tổng đài sau đó xin roaming mỗi mạng một ít. Như vậy họ chẳng cần phải nhọc công mở sóng mà vẫn nuôi sống được khách hàng. Đúng là một kiến nghị nực cười", lãnh đạo một hãng viễn thông khác nói.
Trao đổi với VnExpress.net, lãnh đạo các hãng viễn thông đều khẳng định rất khó tính đến chuyện cho phép EVN Telecom roaming dịch vụ trong thời điểm này.