Nhiều năm liền, Eximbank không tổ chức được ĐHCĐ
Trong đại hội đồng cổ đông thường niên sắp diễn ra vào ngày 26/4 tới, nhiều vấn đề nóng sẽ được trình bày trước cổ đông như sửa đổi Điều lệ Eximbank (EIB), kế hoạch trả cổ tức 1.800 đồng/cổ phiếu sau 7 năm không chia.
Về Điều lệ, sẽ trình sửa đổi tỷ lệ cổ đông dự họp trên tổng số cổ phần có quyền biểu quyết để tiến hành ĐHĐCĐ giảm từ 65% xuống 50%. ĐHĐCĐ lần thứ hai được tiến hành khi đủ tỷ lệ 33% (giảm so với 51%). ĐHĐCĐ lần thứ 3 sẽ được tiến hành không phụ thuộc vào tỷ lệ cổ đông dự họp. Tỷ lệ tán thành thông qua quyết định của ĐHĐCĐ cũng được đề nghị từ 65% xuống 50%.
Trả lời báo chí mới đây, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: "Việc EIB thay đổi lãnh đạo thường xuyên, tiêu biểu cho sự không thống nhất trong nội bộ một thời gian dài, đã đẩy lùi sự phát triển của EIB".
Là cố vấn cao cấp nhiều ngân hàng tại Việt Nam, ông Hiếu kiến nghị: EIB nếu muốn lấy lại vị trí top đầu như thời gian trước đây, cần thay đổi cách quản trị, tìm được sự đồng thuận về chính sách, định hướng cũng như quản lý ngân hàng...
Trước đó, trong 2 năm 2019 và 2020, EIB nhiều lần thông báo tổ chức ĐHĐCĐ nhưng đều bất thành, trong đó, ĐHĐCĐ thường niên lần 1 và 2 tổ chức ở TP.Hồ Chí Minh vào ngày 30/6/2020 và 29/7/2020 không thực hiện được do không đủ tỷ lệ cổ đông tham dự.
Tuy nhiên, cũng tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2019 lần thứ 3, tổ chức vào ngày 21/6/2019 dù số cổ đông tham dự vượt ngưỡng 51% cổ phần có quyền biểu quyết và lên tới đỉnh điểm là 93,86%, với 199 cổ đông đến dự nhưng Đại hội vẫn bất thành. Các vấn đề cổ đông đã phát biểu đến mức tranh cãi tại đại hội nói trên bao gồm: Lãnh đạo EIB coi thường và vi phạm quyền cổ đông; không chấp nhận và đòi xem xét tư cách chủ tọa, đòi bầu bổ sung chủ tọa...
“Chóng mặt” với “ghế nóng” Chủ tịch HĐQT
Trong vòng 2 năm qua, Eximbank đã thay 8 đời chủ tịch HĐQT. Và câu chuyện bổ nhiệm, miễn nhiệm trong thời gian ngắn diễn ra không chỉ 1 lần.
Đơn cử, ngày 13/4/2021, Eximbank thay đổi vị trí Chủ tịch HĐQT lần thứ 6,7,8. Theo Thông báo của Eximbank, HĐQT đã họp và ban hành 2 nghị quyết, trong đó, HĐQT đã bầu ông Nguyễn Quang Thông tạm thời làm Chủ tịch để chủ tọa cuộc họp cho đến khi bầu chủ tịch mới. Cuộc họp diễn ra từ 10h 15' đến 11'10'. Sau đó, Chủ tịch Nguyễn Quang Thông ký Nghị quyết 156 miễn nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT của ông Yasuhiro Saitoh.
Vài chục phút sau, Nghị quyết 157 ra đời, do chính ông Yasuhiro Saitoh ký, với nội dung bầu chính ông Yasuhiro Saitoh giữ chức… Chủ tịch HĐQT.
Trước đó, từ 1/3/2019 đến 15/6/2019, Eximbank đã từng 5 lần thay phiên Chủ tịch: Từ Lê Minh Quốc, sang Lương Thị CẩmTú, trở lại Lê Minh Quốc, sang Cao Xuân Ninh, rồi về YasuhiroSaitoh.
"Sự kiện" ngày 13/4 nhanh chóng làm "nóng" các mặt báo với gần 100 tin bài, gây xôn xao vì không hiểu việc gì đang diễn ra tại Eximbank.
Trước đó, lần thứ nhất, vào ngày 22/3/2019, Eximbank ban hành Nghị quyết 112. Theo đó, nữ doanh nhân trẻ (SN 1980) Lương Thị Cẩm Tú ngồi vào "ghế nóng" thay ông Lê Minh Quốc (SN 1951) bị miễn nhiệm. Nhưng bà Tú chỉ ngồi được vài ngày vì ông Quốc làm đơn khởi kiện ra TAND TP.Hồ Chí Minh, đề nghị và được Tòa ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để tạm dừng thực hiện Nghị quyết 112 từ ngày 27/3/2019. Ông Quốc tạm thời trở lại ghế Chủ tịch.
Cũng trong vòng 2 năm, Eximbank đã nhiều lần tổ chức ĐHCĐ bất thành. Việc liên tục dời, hoãn hoặc tổ chức Đại hội nhưng bất thành đã khiến EIB trở thành ngân hàng duy nhất không tổ chức được ĐHĐCĐ thường niên 2019, không có tổng giám đốc; không có người đại diện theo pháp luật; không có kế toán trưởng…
Với những gì đã, đang diễn ra tại EIB, câu hỏi về việc, ĐHCĐ sắp tới đây có thành công, chấm dứt tình trạng mất đoàn kết diễn ra thời gian qua trong nội bộ Eximbank có vẻ vẫn là một câu hỏi lớn.