Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Facebook đang “nhờn” luật Việt Nam như thế nào?

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau hơn 10 năm xuất hiện ở Việt Nam, mạng xã hội với hơn 58 triệu người dùng này đang ngang nhiên vi phạm nghiêm trọng pháp luật nhưng liên tục bất hợp tác với các cơ quan chức năng trong khâu khắc phục.

 Nhiều quảng cáo trên Facebook vi phạm pháp luật. Ảnh minh họa
Dung túng cho thông tin bôi nhọ cá nhân, tổ chức
Không thể phủ nhận tầm phổ biến của Facebook tới người dùng Việt Nam khi đây đang là mạng xã hội có lượng người dùng đông nhất tại đất nước hình chữ S. Tuy nhiên trong vài năm trở lại đây, vấn đề vi phạm nghiêm trọng pháp luật nước sở tại của mạng xã hội này đã đặt ra nhiều thách thức cho các cơ quan quản lý của Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trên thế giới.

Theo thông tin từ Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Cục PTTH&TTĐT - Bộ TT&TT), tính đến hiện tại, Facebook đang vi phạm pháp luật Việt Nam ở 3 lĩnh vực gồm: Quản lý nội dung, thông tin quảng cáo và trách nhiệm nộp thuế. Những vi phạm nghiêm trọng này không chỉ diễn ra trong nhiều năm, mà còn nhiều lần được các cơ quan quản lý của Việt Nam phản ánh nhưng Facebook không hề có động thái khắc phục, họa chăng nếu có cũng chỉ mang tính đối phó tạm thời.

Cụ thể, Phó Cục trưởng Cục PTTH&TTĐT Lê Quang Tự Do cho biết, một trong những vi phạm dễ nhận thấy nhất của Facebook là dung túng cho những Fanpage có các hoạt động kích động chống phá Nhà nước và không đáp ứng tốt việc bóc gỡ các nội dung này khi có yêu cầu từ cơ quan chức năng. Đáng chú ý, các nội dung này đều có tính chất xuyên tạc, sai sự thật khi không có căn cứ chính xác và thường xuyên được các thế lực xấu lợi dụng theo cách bài bản và có tổ chức để công kích chính quyền, bôi nhọ, phỉ báng các cá nhân, tổ chức, cơ quan Nhà nước.
Do tính chất nghề nghiệp nên tôi thường xuyên mua hàng trực tuyến thông qua Facebook. Tuy nhiên tình trạng hàng trên mạng một kiểu, giao cho người mua lại một kiểu khác hay người mua chuyển tiền nhưng người bán không chuyển hàng thường xuyên xảy ra nếu người dùng không cảnh giác. Tuy nhiên hầu hết nạn nhân đều không được bồi thường trong khi đó gian thương vẫn tiếp tục nhởn nhơ đi lừa đảo người khác. Thiết nghĩ các cơ quan quản lý trong nước cần có những chế tài mạnh hơn nữa nhằm hạn chế nạn gian thương đang hoành hành trên Facebook ở thời điểm hiện tại.

Thúy Quỳnh (nhân viên văn phòng tại Hà Nội)
Rõ ràng những thông tin trên đã vi phạm nghiêm trọng Luật An ninh mạng Việt Nam, Nghị định 72/2013/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 38 của Bộ TT&TT nhưng khi cơ quan quản lý nhiều lần yêu cầu Facebook xử lý thì mạng xã hội này đã liên tiếp trì hoãn, thậm chí trong nhiều trường hợp còn không gỡ bỏ khi viện lý do nội dung không vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng của minh, ông Lê Quang Tự Do nói thêm.

Cũng có yếu tố vi phạm nghiêm trọng không kém đó là hoạt động "Quảng cáo chính trị", một thuật ngữ mới xuất hiện khoảng vài năm trở lại đây trên thế giới nhằm mô tả các hoạt động lợi dụng quảng cáo qua mạng xã hội nhằm phục vụ yếu tố chính trị cũng đang được Facebook làm ngơ khi diễn ra ở Việt Nam. Mặc dù là mối nguy hiểm rất lớn, mang lại nhiều tác động tiêu cực tới xã hội nhưng thông qua Facebook, kẻ xấu có thể thực hiện hoạt động này một cách dễ dàng chỉ với kinh phí khiêm tốn.

Ông Lê Quang Tự Do phân tích, hoạt động trên thường thấy nhất là ở trước mỗi kỳ đại hội Đảng hay Hội nghị T.Ư... trên Facebook xuất hiện với tần suất dày đặc các thông tin với nội dung sai sự thật về lãnh đạo Nhà nước, xuyên tạc chế độ, định hướng dư luận theo chiều hướng tiêu cực... Đáng lưu ý, những thông tin trên được tổ chức rất bài bản khi chỉ hiển thị tới từng nhóm đối tượng riêng, có quan tâm tới sự kiện. Ví dụ, thông tin sai sự thật về lãnh đạo ngành Công thương sẽ chỉ xuất hiện trên Facebook của những người đang công tác trong ngành hoặc các cá nhân, tổ chức có liên quan tới ngành này.

Tuy nhiên, khi được cơ quan chức năng liên hệ nhằm loại bỏ những quảng cáo dạng này, nếu không trì hoãn thì Facebook cũng mất rất nhiều thời gian để xóa chúng nhưng sau đó các loại "quảng cáo chính trị" tương tự vẫn thường xuyên xuất hiện trở lại trên mạng xã hội. Thậm chí, khi được cơ quan an ninh Việt Nam yêu cầu cung cấp thông tin về những tài khoản vi phạm pháp luật Việt Nam, Facebook cũng từ chối hợp tác, ông Lê Quang Tự Do cho biết thêm.

Ngoài ra, hoạt động quảng cáo trên Facebook còn tiếp tay cho hàng giả, hàng nhái xuất hiện câu kéo người mua một cách trắng trợn. Dạo một vòng trên mạng xã hội này, không khó để người dùng có thể tìm ra được một địa chỉ cung cấp tiền giả hoặc thậm chí là các loại súng ống, vật liệu nổ cho đến tiếp thị mại dâm hay hoạt động cờ bạc. Theo thời gian những loại quảng cáo vi phạm nghiêm trọng pháp luật này không những không giảm mà còn tăng đột biến cả về số lượng lẫn quy mô các mặt hàng phạm pháp.

Trốn thuế nhiều năm

Lý giải về việc Facebook dung túng cho những hoạt động quảng cáo vi phạm pháp luật Việt Nam, phía Cục PTTH&TTĐT cho rằng do lợi ích kinh tế. Quảng cáo nói chung và những quảng cáo sai sự thật hay "quảng cáo chính trị" đang là nguồn thu chính của Facebook. Trong khi đó, theo các số liệu thống kê, trong năm 2018, nếu doanh thu của thị trường quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam đạt khoảng 550 triệu USD thì riêng Facebook đã thu về đến 235 triệu USD. Nhưng từ khi xuất hiện ở Việt Nam, mạng xã hội này chưa từng một lần thực hiện nghĩa vụ đóng thuế của mình. Nguyên do được Facebook đưa ra nhằm "chống chế" cho hành động vi phạm pháp luật này là tại họ chưa có văn phòng đại diện ở Việt Nam.
Trong các năm 2016 và 2018, nhãn hàng Sting của Pepsi đã liên tục là nạn nhân của tin giả trên Facebook, những hành động này đã gây thiệt hại khá lớn cho uy tín sản phẩm cũng như thiệt hại về tình hình kinh doanh của DN. Tuy nhiên, ngay cả khi DN liên hệ với Facebook nhằm hỗ trợ thì phải mất khá lâu từ 7 - 10 ngày, thông tin sai sự thật mới được gỡ bỏ, đến thời điểm đó hành động này gần như không có nhiều tác dụng bởi thông tin đã được chia sẻ lan tràn trên mạng khiến người dùng sản phẩm hoang mang. Không chỉ Pepsi hiện rất nhiều DN Việt Nam từng là nạn nhân bởi những thông tin sai sự thật trên Facebook, đã đến lúc các cơ quan chức năng cần yêu cầu mạng xã hội này phải có trách nhiệm với thông tin sai sự thật được đăng tải trên đó. 

Đại diện Suntory PepsiCo Việt Nam
Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên, một lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, cơ quan này đang có những bước triển khai nhằm kiểm soát ban đầu về tình hình thu thuế từ Facebook. Cụ thể, Bộ đã phối hợp cùng các đơn vị khác như ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an... nhằm đối chiếu, tìm hiểu thông tin về các cá nhân, tổ chức nhận được tiền từ Facebook và truy thu thuế của những đối tượng này và đã có những kết quả nhất định. Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ phối hợp cùng các cơ quan có liên quan nhằm hoàn thiện những quy phạm pháp luật cũng như phương thức đi kèm nhằm kiểm soát chặt chẽ việc đóng góp thuế của dịch vụ xuyên biên giới nói chung, trong đó đặc biệt là với Facebook.

Đại diện Cục PTTH&TTĐT (Bộ TT&TT) cho biết, trong thời gian tới sẽ tăng cường các biện pháp nhằm hạn chế cũng như tiến tới xử lý triệt để những sai phạm của Facebook tại Việt Nam. Cụ thể, ngay từ các nhà mạng, nơi Facebook đang thuê khoảng 900 máy chủ để hoạt động tại thị trường trong nước, cơ quan quản lý sẽ yêu cầu ký hợp đồng cung cấp dịch vụ cho mạng xã hội phải kèm điều khoản cam kết tuân thủ các quy định pháp luật Việt Nam. Bên cạnh đó, phối hợp với các cơ quan có liên quan để quản lý các hoạt động thanh toán, thuế đối với các giao dịch thương mại, quảng cáo tại Việt Nam.

Ngoài ra, Bộ TT&TT sẽ tiếp tục tập hợp các bằng chứng vi phạm nhằm đấu tranh yêu cầu Facebook tuân thủ pháp luật Việt Nam. Nếu tình trạng vi phạm còn tiếp tục tiếp diễn, không có biện pháp khắc phục có thể tính tới áp dụng các biện pháp kỹ thuật cần thiết nhằm đảm bảo môi trường mạng trong sạch.