Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

FED mất chương trình cho vay khẩn cấp, chứng khoán Mỹ lao dốc

Nguyễn Thu (Theo CNBC)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tính chung trong tuần, Dow Jones và S&P 500 mất lần lượt 0,7% và 0,8%. Đây là tuần giảm điểm đầu tiên của hai chỉ số này trong ba tuần gần đây.

Chứng khoán Mỹ quay đầu đi xuống trong phiên ngày 20/11, khi nhà đầu tư lo ngại về sự bùng phát số ca nhiễm mới Covid-19 cùng với việc cấp vốn cho các chương trình cứu trợ khẩn cấp doanh nghiệp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).
Chốt phiên giao dịch ngày thứ Sáu, chỉ số Dow Jones sụt 219,75 điểm (tương đương 0,8%) xuống 29.263,48 điểm. Chỉ số S&P 500 hạ 0,7% còn 3.557,54 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite cũng mất 0,4% xuống 11.854,97 điểm.
 Chứng khoán Mỹ quay đầu đi xuống trong phiên 20/11.
Boeing và Salesforce là những cổ phiếu có thành quả tồi tệ nhất thuộc Dow Jones, lần lượt giảm 2,9% và 2,5%. Lĩnh vực công nghệ và công nghiệp lần lượt mất 1,1% và 0,9%, dẫn đầu đà sụt giảm của chỉ số S&P 500.
Các chỉ số chính trên sàn Phố Wall chịu sức ép lao dốc trong phiên giao dịch cuối tuần là do sự bất đồng giữa Bộ Tài chính Mỹ và FED quanh việc tiếp tục cấp vốn cho một số chương trình cứu trợ khẩn cấp được thực hiện trong thời kỳ suy thoái.
Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin muốn chấm dứt nhiều công cụ của FED, bao gồm việc mua lại trái phiếu doanh nghiệp và cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ. FED đã chỉ trích động thái này và cho rằng các chương trình trên vẫn đang là bệ đỡ cho nền kinh tế dễ tổn thương.
"Động thái của Bộ trưởng Mnuchin sẽ khiến điều kiện tài chính bị thắt chặt, tháo bỏ lưới an toàn cho thị trường vào thời điểm không hợp lý", Krishna Guha - Phó chủ tịch Evercore nhận định.
Quyết định dừng cấp vốn của Bộ Tài chính Mỹ được đưa ra đúng lúc tỷ lệ lây lan Covid-19 đang bùng phát mạnh với tốc độ chưa từng thấy trên khắp nước Mỹ.
Số liệu của trường Đại học Johns Hopkins cho thấy tính trung bình 7 ngày, số ca nhiễm Covid-19 mới tại Mỹ là 165.029, tăng 24% so với tuần trước. Chỉ riêng trong ngày thứ Năm, Mỹ ghi nhận kỷ lục 187.833 ca nhiễm Covid-19 mới. Nhiều bang đã rút lại kế hoạch mở cửa và tái áp đặt biện pháp hạn chế để ngăn đại dịch Covid-19.
Thống đốc bang California, Gavin Newsom, vào ngày 19/11 đã ban hành “Lệnh ở nhà có giới hạn” đối với đa số cư dân của bang, yêu cầu các cuộc tụ tập và công việc không cần thiết phải dừng lại từ 10 giờ tối đến 5 giờ sáng. Trong khi đó, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ khuyến cáo người dân không nên đi du lịch vào dịp Lễ Tạ ơn.
Phân tích của các nhà nghiên cứu JPMorgan Chase cho thấy các lệnh hạn chế nhằm ngăn dịch Covid-19 lây lan “nhiều khả năng sẽ khiến nền kinh tế tăng trưởng âm" trong quý I/ 2021. Nhóm nghiên cứu của JPMorgan đã hạ dự báo tăng trưởng quý đầu tiên của năm 2021 xuống -1%.
Đà giảm điểm trong ngày thứ Sáu đã khiến Dow Jones và S&P 500 ghi nhận tuần sụt giảm đầu tiên trong 3 tuần. Dow Jones mất 0,7% trong tuần này và S&P 500 hạ 0,8%.
"Thị trường có thể nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm", Aaron Clark - Giám đốc Danh mục đầu tư tại GW&K Investment Management cho biết, "Nhưng mặt khác, số ca nhiễm Covid-19 mới tăng vọt và các biện pháp hạn chế khiến nhà đầu tư cổ phiếu giữ tâm lý thận trọng”.
Về xu hướng hỗ trợ đà tăng, nhà đầu tư cũng nhận tin tốt khi Pfizer và BioNTech cho biết đã nộp đơn lên Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) xin cấp phép khẩn cấp vaccine Covid-19. Các công ty này cho biết sẵn sàng giao vaccine trong vài giờ sau khi được chấp thuận.
Brent Schutte - chiến lược gia đầu tư cấp cao của Northwestern Mutual Wealth Management, cho rằng thị trường có thể biến động trong thời gian tới, đồng thời lưu ý rằng “bất kỳ thông tin tích cực nào liên quan đến vaccine đều là lực đẩy quan trọng cho đà đi lên của thị trường Phố Wall”.