KTĐT - Mặc dù FED đã có những biện pháp tương tự trong giai đoạn khủng hoảng, song động thái tăng lượng tiền bơm vào nền kinh tế là chưa từng có và chúng được triển khai trong bối cảnh nền kinh tế lớn nhất thế giới đã thoát khỏi nguy cơ sụp đổ.
Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) ngày 3/11 đã nhất trí bơm 600 tỷ USD vào nền kinh tế nước này nhằm duy trì sự phục hồi hiện mong manh và giảm tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức cao.
Đây được coi là một động thái táo bạo song cũng ẩn chứa đầy rủi ro.
Trong một tuyên bố sau cuộc họp, Ủy ban thị trường mở liên bang (FOMC) nhấn mạnh tốc độ phục hồi sản lượng và việc làm vẫn chậm nên FED sẽ mua các khoản nợ của Bộ Tài chính với tỷ lệ khoảng 75 tỷ USD/tháng - mức chưa từng thấy kể từ giai đoạn đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng kinh tế 2008-2009.
Thời điểm bắt đầu thực hiện kế hoạch này là cuối quý 2/2011. Ngoài ra, FED cũng quyết định giữ nguyên mức lãi suất cơ bản thấp kỷ lục từ 0-0,25% nhằm kích thích sự phục hồi kinh tế.
Mặc dù FED đã có những biện pháp tương tự trong giai đoạn khủng hoảng, song động thái tăng lượng tiền bơm vào nền kinh tế là chưa từng có và chúng được triển khai trong bối cảnh nền kinh tế lớn nhất thế giới đã thoát khỏi nguy cơ sụp đổ.
Nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại tính hiệu quả của chính sách này và ảnh hưởng của nó tới các nền kinh tế khác.
Hiện FED đã rót hơn 1.500 tỷ USD để phục hồi nền kinh tế Mỹ.