Việc FED giữ nguyên lãi suất là thông tin không mấy bất ngờ đối với các nhà đầu tư, nhất là trong thời điểm nền kinh tế của nước này vẫn chưa thực sự ổn định sau lần FED tăng lãi suất lên mức 1 - 1,25% vào tháng 6 vừa qua, đánh dấu lần tăng lãi suất thứ 3 trong 6 tháng trở lại đây.
Chủ tịch FED Janet Yellen. |
Tuy nhiên, giới chuyên gia dự đoán nhiều khả năng FED sẽ tiến hành tăng lãi suất lần thứ 4 vào tháng 12 tới. Rõ ràng khi nền kinh tế Mỹ đang trên đà tăng trưởng ở tháng thứ 9 liên tiếp, thị trường việc làm tiếp tục khởi sắc trong những tháng gần đây, FED có lý do để rút bỏ những biện pháp hỗ trợ nền kinh tế. Trong thời gian qua, “sức khỏe” của nền kinh tế Mỹ đã phần nào hồi phục nhờ các các biện pháp của FED nhằm bình thường hoá chính sách tiền tệ, thông qua việc nâng lãi suất sau một thời gian dài áp dụng các biện pháp kích cầu. Ngoài ra, thông tin FED sẽ sớm giảm khối lượng tài sản đang nắm giữ trị giá hơn 4.500 tỷ USD được mua sau cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế giai đoạn 2007 - 2009 sẽ khiến lãi suất tăng.
Nhưng trong bối cảnh tăng trưởng tiền lương còn yếu, cũng như lạm phát chưa tăng ở mức như kì vọng, nhiều khả năng kế hoạch thu hẹp bảng cân đối tài sản sẽ được FED tiến hành vào tháng 9, thay vì vào cuối năm như kế hoạch ban đầu. Theo nhận định của ông Scott Anderson, nhà kinh tế trưởng tại Bank of the West, FED muốn đẩy nhanh quá trình này trước thời điểm bà Janet Yellen sẽ kết thúc nhiệm kỳ Chủ tịch FED vào đầu năm 2018. Khả năng bà Yellen ở lại FED là không cao khi mới đây, Tổng thống Donald Trump đã để ngỏ khả năng sẽ cân nhắc ông Gary Cohn, người hiện đang đảm nhiệm chức vụ Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia thay bà Yellen.
Kiểm soát lạm phát là một trong những mục tiêu hàng đầu của FED bên cạnh việc đảm bảo tăng trưởng việc làm. Nhận định về tỷ lệ lạm phát vẫn dưới con số mục tiêu 2%, FED thừa nhận lần tăng lãi suất vào tháng 6 vừa qua chưa mang lại hiệu quả như kỳ vọng. Đây được cho là nguyên nhân khiến FED chưa tăng lãi suất vào thời điểm hiện nay. Theo định chế tài chình này, nguyên nhân lạm phát thấp là do các yếu tố tạm thời như giá dầu giảm và một số biến động trên thị trường tài chính toàn cầu, theo đó không ảnh hưởng tới kế hoạch tăng lãi suất trong những năm tiếp theo.
Greg McBride, chuyên gia phân tích tài chính cao cấp tại Bankrate.com, tỏ ra nghi ngờ về sự tự tin của FED trước những biến động của thị trường khi nhận định: "Tôi nghĩ rằng FED sẽ gặp nhiều khó khăn khi tiếp tục tăng lãi sất trong khi lạm phát chưa có dấu hiệu phục hồi. Và câu hỏi đặt ra là liệu FED có thể duy trì việc nâng lãi suất trong bao lâu khi thực tế lạm phát đang thấp hơn nhiều so với ngưỡng 2%?”
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, trong khi lạm phát được duy trì ở mức thấp sẽ giúp doanh nghiệp tăng lợi nhuận và qua đó tăng lương cho người lao động. Tuy nhiên, khi tỷ lệ lạm phát quá thấp sẽ mang lại các nguy cơ về giảm giá hoặc thậm chí là giảm phát khiến nền kinh tế đối mặt với chu kỳ tăng trưởng trì trệ. Dù còn mối lo về lạm phát, rõ ràng FED đang chớp lấy thời cơ từ những dấu hiệu tích cực của nền kinh tế nhằm tránh bẫy giảm phát, một thực trạng mà Nhật Bản đã phải đối mặt trong hơn 2 thập kỉ qua.