Cụ thể, chỉ số MSCI khu vực châu Á - Thái Bình Dương không tính thị trường Nhật Bản leo dốc 0,4% lên mức cao nhất, kể từ ngày 4/10/2018. Chỉ số Nikkei 225 của chứng khoán Nhật Bản tăng 1,4%. Tại thị trường Australia , chỉ số chứng khoán nhích 0,4%, trong khi đó chỉ số KOSPI của chứng khoán Hàn Quốc tăng 0,7%.
Trong cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ đầu tiên của năm 2019 diễn ra hôm 30/1, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã giữ nguyên lãi suất cơ bản đồng USD và điều này không nằm ngoài dự báo của thị trường.
Tuyên bố sau cuộc họp của FED nói rằng tăng trưởng kinh tế và việc làm của Mỹ "nhiều khả năng vẫn sẽ duy trì". Tuy nhiên, so với tuyên bố của cuộc họp hồi tháng 12, tuyên bố lần này của ngân hàng trung ương bỏ đoạn nói rằng các rủi ro đối với triển vọng tăng trưởng là "khá cân bằng".
Bên cạnh đó, tuyên bố lần này cũng không còn nhắc đến việc nâng lãi suất "thêm một vài lần" có thể sẽ là việc làm phù hợp trong năm 2019.
Trong phiên giao dịch ngày 30/1, thị trường chứng khoán Mỹ giao dịch khởi sắc sau khi FED phát tín hiệu sẽ kiên nhẫn trong vấn đề tăng lãi suất trong 2019, trấn an tâm lý nhà đầu tư vốn đang lo ngại vì đà giảm tốc của nền kinh tế toàn cầu.
Cùng với kết quả kinh doanh quý IV/2018 không đến nỗi quá tệ từ hãng công nghệ Mỹ Apple, phát biểu của FED giúp chứng khoán Mỹ đảo ngược hai phiên giảm điểm trước đó.
Trong những tháng gần đây, giới đầu tư có nỗi lo ngày càng lớn về sức khỏe nền kinh tế toàn cầu. Các báo cáo kinh doanh cho thấy những công ty lớn đều đã chịu ảnh hưởng từ sự giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc - quốc gia đang bị tác động xấu bởi chiến tranh thương mại với Mỹ.
"Thị trường đang có được điều mà họ muốn từ tuyên bố của FED, bao gồm tín hiệu rằng FED sẽ kiên nhẫn trong các đợt tăng lãi suất trong tương lai và mức độ linh hoạt cao hơn trong việc giảm bảng cân đối kế toán", hãng Reuters dẫn nhận định của ông Mohamed El-Erian - chuyên gia tư vấn kinh tế trưởng thuộc Allianz.
Sau tuyên bố của FED, cả 3 chỉ số chính của chứng khoán Mỹ cùng nới rộng mức tăng có từ trước đó trong phiên giao dịch. Chỉ số S&P 500 đạt mức chốt phiên cao nhất kể từ ngày 6/12.
Chốt phiên, chỉ số Dow Jones tăng 1,77%, đạt 25.014,86 điểm. S&P tăng 1,55%, đạt 2.681,05 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 2,2%, đạt 7.183,08 điểm.
Trên thị trường tiền tệ, chỉ số Dollar Index, phản ánh sức mạnh của đồng USD so với 6 đồng tiền chủ chốt khác, chạm gần mức thấp nhất trong 3 tuần xuống còn 95,253 điểm sau khi mất 0,5% trong phiên trước đó.
So với đồng USD, giá đồng euro tăng 0,1%, được giao dịch với tỷ lệ 1 euro đổi được 1,1501 USD, mức cao nhất kể từ ngày 11/1.
Đồng USD giảm 0,1% so với đồng yen Nhật, xuống mức 1 USD đổi được 108,96 yen và gần mức thấp nhất trong 2 tuần.