Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

G20 - bước đệm tháo gỡ thách thức toàn cầu

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra tại TP Bonn, Đức (16 - 17/2) là cơ hội tập trung tìm giải pháp tháo gỡ những vấn đề quan trọng toàn cầu.

 Trung tâm Hội nghị thế giới TP Bonn - Đức nơi diễn ra Hội Nghị Bộ trưởng Ngoại giao G20.

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra tại TP Bonn, Đức (16 - 17/2) là cơ hội để giới chức ngoại giao của nhóm tập trung tìm giải pháp tháo gỡ những vấn đề quan trọng toàn cầu, các hồ sơ “nóng” của thế giới. Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam tham dự Hội nghị quan trọng này.

Cuộc gặp tại Bonn của các nhà ngoại giao hàng đầu G20 được coi là “bước đệm” quan trọng cho Hội nghị thượng đỉnh diễn ra vào tháng 7 tới, nơi G20 tìm ra hướng tháo gỡ những thách thức to lớn để thúc đẩy tăng trưởng bền vững, tiến tới mục tiêu góp phần định hình một thế giới kết nối.

Các chuyên gia đánh giá kinh tế thế giới năm 2017 dù có dấu hiệu “khởi sắc” hơn năm ngoái, song sự phục hồi còn chậm và không đồng đều ở các lĩnh vực kinh tế. Thương mại và dòng vốn đầu tư toàn cầu cũng tăng trưởng thấp hơn kỳ vọng do tốc độ tăng trưởng GDP của các nền kinh tế mới nổi đang chậm lại, trong khi sự phục hồi của các nền kinh tế phát triển vẫn chưa thực sự vững chắc. Đặc biệt, việc ông Donald Trump - người có chủ trương không ủng hộ các hiệp định thương mại đa phương nhậm chức Tổng thống Mỹ đã “phủ bóng đen” lên hệ thống kinh tế - tài chính thế giới. Trong bối cảnh đó, Đức - Chủ tịch luân phiên của G20 đã chọn chủ đề xuyên suốt chương trình nghị sự của các hội nghị năm nay là “Định hình một thế giới kết nối”, trong đó ưu tiên 3 trọng tâm gồm: tạo dựng nền tảng tự cường, tăng cường tính bền vững và tăng cường tính trách nhiệm.  

Tại cuộc gặp tại Bonn lần này, Bộ trưởng Ngoại giao G20 tập trung sự chú ý vào những chính sách của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump. Nhất là trong bối cảnh, ông Trump vừa ký sắc lệnh rút Mỹ ra khỏi Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP). Bên cạnh đó, các nước Nga, Trung Quốc, Ả Rập Saudi hay Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang hướng sự quan tâm vào một số lĩnh vực “nhạy cảm” trong chính sách đối ngoại với Mỹ thời gian tới, đặc biệt là xung quanh vấn đề về Syria và Ukraine, chương trình vũ khí hạt nhân của CHDCND Triều Tiên… Sự chuyển đổi từ ngoại giao đa phương sang song phương của ông Trump nhiều khả năng sẽ thúc đẩy các quốc gia tham gia vào cuộc đua đa cực mới. Bên cạnh đó, các nhà ngoại giao thế giới cũng bàn thảo giải pháp nhằm giảm thiểu thiệt hại từ tiến trình Anh rời Liên minh châu Âu (EU) – còn gọi là Brexit. Theo ước tính, sự kiện này sẽ gây thiệt hại cho Anh, EU - 2 thành viên chủ chốt của G20 hàng trăm tỷ USD mỗi năm.

Ngoài chương trình nghị sự bận rộn, quốc tế tập trung quan tâm nhiều tới các diễn biến bên lề hội nghị khi Ngoại trưởng các nước thành viên G20 tiến hành hàng loạt các cuộc gặp song phương, đa phương nhằm trao đổi và thống nhất quan điểm về các vấn đề cùng quan tâm. Ngoại trưởng Nga – Mỹ lần đầu gặp nhau sau khi ông Trump nhậm chức Tổng thống nhằm tìm tiếng nói chung trước cuộc đàm phán hòa bình do Liên Hợp quốc hậu thuẫn ở Geneva vào tuần tới. Ngoại trưởng Mỹ - Nhật – Hàn gặp nhau nhằm bàn cách đối phó với Triều Tiên. Ngoài ra, cuộc gặp với giới chức ngoại giao Pháp, Anh, Thổ Nhĩ Kỳ, Ả Rập Saudi… là cơ hội đầu tiên để “thử thách” cách xử lý của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson về Syria, và định hướng của chính quyền Washington mới trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.