Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

G20 và WB tìm cách hạ nhiệt giá lương thực

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Tổ chức Nông - Lương (FAO) của Liên hợp quốc (LHQ) cho biết giá lương thực trên thị trường thế giới đã leo lên các mức cao kỷ lục mới trong tháng 12/2010, bỏ xa các mức từng là nguyên nhân gây bùng phát các "bạo động lương thực" ở Haiti, Ai Cập và Cameroon trong năm 2008.

KTĐT - Tổ chức Nông - Lương (FAO) của Liên hợp quốc (LHQ) cho biết giá lương thực trên thị trường thế giới đã leo lên các mức cao kỷ lục mới trong tháng 12/2010, bỏ xa các mức từng là nguyên nhân gây bùng phát các "bạo động lương thực" ở Haiti, Ai Cập và Cameroon trong năm 2008.

 

Trả lời báo chí Pháp hôm 11/1, chuyên gia về lương thực LHQ Olivier de Schutter cho biết hiện có khoảng 80 quốc gia trên thế giới đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực. Những khu vực bị đe dọa nhiều nhất là các nước ở Bắc và Trung Phi, tiếp đó là các nước châu Á như: Afghanistan, Mông Cổ hay CHDCND Triều Tiên. Tình trạng thiếu lương thực càng trở nên nghiêm trọng đối với các quốc gia phải nhập khẩu lương thực nhưng lại khan hiếm ngoại tệ để thực hiện các giao dịch đó.

 

Về tác động của cuộc khủng hoảng lương thực, chuyên gia của Cơ quan Bảo hiểm đầu tư đa phương (MIGA) thuộc Ngân hàng Thế giới (WB), James Bond cho biết: "Giá thực phẩm tăng tác động mạnh nhất tới người nghèo vì phần lớn thu nhập của họ dùng để mua thực phẩm. Do vậy, giá lương thực tăng sẽ gây căng thẳng đáng kể ở những nước nghèo, làm gia tăng chênh lệch về mức sống và là thủ phạm chính gây bất ổn xã hội". Thực tế, tại Tunisia, bạo loạn do giá lương thực tăng cao và thất nghiệp đã bùng phát từ 3 tuần trước khiến tất cả các trường học phải đóng cửa. Tình trạng tại Algeria cũng không khá hơn, khi biểu tình từ những ngày đầu năm 2011 đã biến thành bạo loạn trên diện rộng từ hôm 7/1. Trong khi đó, lạm phát giá lương thực tại nhiều nước như Brazil, Ấn Độ và Trung Quốc đã tăng lên mức hai con số.

 

Mặc dù Thái Lan cam kết sẽ duy trì lượng xuất khẩu trong năm 2011 ở mức 9-9,5 triệu tấn và Philippines, nước nhập khẩu gạo nhiều nhất thế giới, cho biết sẽ giảm đáng kể khối lượng gạo nhập khẩu trong năm nay đã phần nào trấn an dư luận. Nhưng động thái bắt đầu áp đặt các biện pháp hạn chế xuất khẩu các mặt hàng lương thực, thực phẩm chủ yếu của một số quốc gia làm tăng nguy cơ xuất hiện cú sốc lương thực thứ hai sau cuộc khủng hoảng lương thực năm 2008. Hiện giá đường đã tăng 96% kể từ 30/6/2010 do những mối lo ngại nguồn cung cắt giảm từ Ấn Độ và Brazil. Nguyên nhân chính khiến giá lương thực tăng là do thời tiết khắc nghiệt trên toàn cầu như lũ lụt tại Australia và Pakistan, hạn hán tại Argentina, Nga, sương giá ở châu Âu và Bắc Mỹ, mưa tuyết tại Trung Quốc… khiến nhiều nhà phân phối có xu hướng ghim hàng, trong khi người mua lại tìm cách mua hàng càng sớm càng tốt.

 

Trước thực trạng trên, Thủ tướng Pháp Francois Fillon đã khẳng định một trong những ưu tiên trong năm Pháp giữ chức Chủ tịch luân phiên Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) là tìm cách ứng phó với biến động về giá lương thực. Chủ tịch Ngân hàng thế giới (WB) Robert Zoellick cũng kêu gọi G20 phải hành động nhanh chóng để giảm tác động tiêu cực của giá lương thực tăng cao. Đồng thời đề xuất 9 biện pháp để giải quyết tình trạng trên. Trong đó, nhấn mạnh đến giải pháp tăng cường hiểu biết của các chuyên gia về mối liên hệ giữa giá hàng hóa quốc tế và giá tại nhóm nước nghèo. Thành lập dữ trữ nhân đạo tại khu vực dễ chịu ảnh hưởng của thiên tai và chất lượng cơ sở hạ tầng kém do Chương trình lương thực thế giới (WFP) quản lý. Chính phủ các nước cùng thống nhất đưa thực phẩm hỗ trợ nhân đạo ra khỏi diện cấm xuất khẩu.