Ngoại trưởng các nước thành viên nhóm G7 tham dự cuộc họp tại TP Liverpool, Anh, ngày 12/12. Ảnh: REUTERS |
Có 3 nguyên do chính lý giải chuyển biến đặc biệt này của G7. Thứ nhất là nhân sự mới. Ở cả cấp độ người đứng đầu nhà nước và chính phủ lẫn bộ trưởng ngoại giao đều có nhiều nhân sự mới tham dự do có sự thay đổi chính quyền ở các nước thành viên trong thời gian vừa qua. Đặc biệt nhất là sự thay đổi chính quyền ở Mỹ. Tổng thống Mỹ hiện tại Joe Biden trái ngược gần như hoàn toàn người tiền nhiệm trong quan điểm chính sách đối với G7 và trong nhìn nhận G7 có thể hữu ích như thế nào cho nước Mỹ. Sự coi trọng của ông Biden dành cho G7 tạo ra động lực quyết định nhất đối với sự hồi sinh của khuôn khổ diễn đàn này.Thứ hai, hiện tại là một trong những thời điểm từ xưa tới nay có nhiều vấn đề đặt ra cho các thành viên G7 mà chỉ khi cả nhóm có sự nhất trí về quan điểm chung và chấp nhận cùng phối hợp hành động thì các thành viên mới có thể bớt khó khăn và khó xử. Những vấn đề ấy là đối phó dịch bệnh, biến đổi khí hậu, vấn đề hạt nhân của Iran, hoạt động quân sự của Nga mà G7 cáo buộc Nga mưu tính việc tấn công quân sự Ucraine, tức là chuyện chính trị an ninh ở châu Âu, chuyện dân chủ, nhân quyền và nhà nước pháp quyền ở Nga và Trung Quốc, chuyện những hành động của Trung Quốc ở khu vực Biển Đông,,,Thứ ba, vai trò, vị thế và ảnh hưởng của G7 trên thế giới bị thách thức ngày càng thêm quyết liệt bởi những khuôn khổ diễn đàn đa phương khác, đặc biệt bởi G20. Nếu không đoàn kết thống nhất thật sự trong nội bộ, G7 sẽ tiếp tục rệu rã. Nếu không thể hiện được năng lực vận hành và dẫn dắt tiến trình giải quyết những vấn đề cấp thiết lâu nay của thế giới, G7 sẽ tiếp tục hữu danh vô thực. G7 vì thế phải tự phát hiện lại chính nó.