Hội nghị nhằm trang bị thêm kiến thức, kỹ năng cho cán bộ, giáo viên làm công tác truyền thông trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh, góp phần thông tin chính xác, kịp thời và hiệu quả các chủ trương, chính sách, nâng cao chất lượng tuyên truyền của ngành giáo dục, tạo sự đồng thuận của toàn xã hội.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe cán bộ Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ Báo chí (Hội Nhà báo Việt Nam) giới thiệu, cung cấp những kiến thức cơ bản về công tác quản trị truyền thông, xử lý khủng hoảng truyền thông trong giáo dục; các kỹ năng phát ngôn, giao tiếp, ứng xử trong khủng hoảng truyền thông; các nguyên tắc quan hệ với báo chí…
Cùng với đó, Ban Tổ chức đã dành nhiều thời gian để các cán bộ quản lý, giáo viên trực tiếp trao đổi, đặt câu hỏi, tương tác với diễn giả về một số vấn đề như:
Kỹ năng sử dụng mạng xã hội để thực hiện tốt nhiệm vụ truyền thông trong giáo dục; xây dựng và định hình mạng lưới truyền thông để thống nhất, kịp thời cung cấp thông tin chỉ đạo, điều hành đến học sinh, phụ huynh và xã hội…
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Thế Sơn - Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Ninh cho biết:
Đến thời điểm này các đơn vị, cơ sở giáo dục đang thực hiện các nhiệm vụ tổng kết, kết thúc theo biên chế thời gian năm học, nhưng công tác truyền thông trong giáo dục là nhiệm vụ không có thời điểm kết thúc, điểm tạm nghỉ, thậm chí đây còn là thời điểm cần chú ý, quan tâm hơn. Bởi trước mắt là các kỳ thi quan trọng là tuyển sinh đầu cấp và tốt nghiệp THPT năm 2024.
"Truyền thông trong giáo dục là nhiệm vụ quan trọng, đây là một trong 5 giải pháp cơ bản được ngành giáo dục đề ra nhằm triển khai Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo. Năm học 2023 - 2024, một trong những nhiệm vụ trọng tâm năm học của Bộ GD&ĐT và ngành GD&ĐT Bắc Ninh đó là tăng cường công tác truyền thông giáo dục…", ông Nguyễn Thế Sơn nói.
Trong thời gian tới, Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Ninh lưu ý đến các đơn vị, cơ sở giáo dục cần tổ chức đa dạng, hiệu quả các hình thức, cách thức truyền thông; Quan tâm xây dựng mạng lưới đội ngũ làm truyền thông toàn ngành và quan tâm tới bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ;
Khi triển khai công tác truyền thông trong giáo dục cần quan tâm tới toàn diện các nội dung, nhiệm vụ giáo dục…
"Trong bối cảnh nguồn thông tin được tiếp cận đa dạng, đa chiều như hiện nay, công tác quản lý, quản trị trong giáo dục sẽ gặp khó khăn hơn. Vì vậy trên quan điểm làm tốt về truyền thông giáo dục để chúng ta phấn đấu dần đạt được theo các cấp độ.
Truyền thông để xã hội để biết, sau đó là hiểu, quan tâm chia sẻ cảm thông và ủng hộ ngành và cuối cùng là niềm tin tưởng của xã hội đối với ngành GD&ĐT - cấp độ cao nhất...", ông Sơn nhấn mạnh.