Tham dự hội thảo có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ; Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, các trường đại học, viện nghiên cứu trong và ngoài nước. Về phía khách quốc tế có các đại sứ, tham tán, công sứ, đại diện các cơ quan ngoại giao tại Việt Nam.
Ban Tổ chức hội thảo lần này đã nhận được 834 bản tóm tắt báo cáo và gần 500 báo cáo toàn văn, trong đó có gần 150 báo cáo của các học giả nước ngoài. Sự kiện có gần 1.000 nhà Việt Nam học đến từ 36 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự và đóng góp ý kiến.
Các kết quả của Hội thảo sẽ được tập hợp thành các báo cáo tư vấn chính sách cho Chính phủ và các bộ ngành, góp phần thiết thực cho việc hoạch định các chính sách phát triển quốc gia. Bên cạnh đó, Hội thảo sẽ xây dựng được mạng lưới các nhà khoa học nghiên cứu về Việt Nam trên toàn thế giới. Đồng thời, thông qua các trao đổi và kết nối tại Hội thảo, Ban Tổ chức sẽ đề xuất được các giải pháp để thiết lập, xây dựng và phát triển Trung tâm tư liệu nghiên cứu về Việt Nam và đề xuất xây dựng bộ Quốc chí Việt Nam.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng, hiện có rất nhiều giải pháp thúc đẩy sự phát triển của đất nước, nhưng điều quan trọng là phải phát huy được sự sáng tạo của các cá nhân và tận dụng được lợi thế của khoa học công nghệ, cụ thể là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Phó Thủ tướng lưu ý, phát triển nhanh là cần thiết nhưng quan trọng nhất là phải chú trọng đến mọi yếu tố đảm bảo sự phát triển bền vững, để xây dựng Việt Nam tuy không giàu về vật chất bằng nhiều nền kinh tế khác trên thế giới nhưng giàu về văn hóa; là nơi người dân luôn cảm thấy hạnh phúc.
Để đạt được mục tiêu đó, rất cần những luận cứ khoa học, các đánh giá, khuyến nghị của các nhà khoa học. Những vấn đề mang tính lâu dài và vốn được nhắc đến từ lâu như giao lưu văn hóa, đối ngoại hay những vấn đề có tính thời sự như biến đổi khí hậu, khoa học công nghệ… sẽ được các nhà khoa học tại hội thảo lần này đề cập, bàn thảo. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tin tưởng, với sự tham gia đông đảo của các nhà khoa học trong nước và quốc tế và với chủ đề “Phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi toàn cầu”, hội thảo lần thứ 5 sẽ đưa ra được nhiều khuyến nghị hữu ích, thiết thực cho công tác hoạch định và tổ chức chính sách của Việt Nam.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá, cộng đồng Việt Nam học trong nước và quốc tế rất đặc biệt và quý báu, có vai trò hết sức quan trọng, không chỉ để giải quyết yêu cầu của phát triển mà còn là cầu nối giữa Việt Nam với thế giới trong tất cả các lĩnh vực. Phó Thủ tướng mong rằng, các nhà khoa học nghiên cứu về Việt Nam, các nhà Việt Nam học quốc tế sẽ giữ vai trò hạt nhân, cùng với các trường đại học, viện nghiên cứu và các tổ chức của Việt Nam đưa văn hóa, hình ảnh Việt Nam ra thế giới và đưa việc nghiên cứu về Việt Nam ở nước ngoài ngày càng phát triển, qua đó góp phần tăng cường tình đoàn kết hữu nghị giữa các dân tộc.
Theo Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội Nguyễn Kim Sơn, hiện nay, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức của sự phát triển và hội nhập, của những thách thức riêng mang tính quốc gia, tính khu vực và những thách thức có tính toàn cầu như: Tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, bài toán về phát triển bền vững và tốc độ tăng trưởng, sự hòa hợp của quốc tế và khu vực trong giải quyết khủng bố, đói nghèo, các vấn đề văn hóa, tôn giáo và các dịch bệnh hay sự ra đời của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4… Trong bối cảnh đó, việc tổ chức Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ 5, một mặt, thể hiện nguyện vọng của các nhà khoa học Việt Nam và quốc tế về cơ hội trình bày và trao đổi về những kết quả nghiên cứu với các đồng nghiệp trước các vấn đề liên quan đến sự phát triển của Việt Nam, mặt khác, thảo luận nhiều vấn đề thực tiễn cấp bách đang đặt ra đối Việt Nam trong quá trình phát triển và hội nhập quốc tế.
Theo lịch trình, các nhà khoa học, các đại biểu sẽ tham gia thảo luận trong 2 ngày (15-16/12) các nội dung tập trung vào 6 nhóm lĩnh vực chuyên môn tại các tiểu ban: Tiểu ban 1 - Ngoại giao, hợp tác và hội nhập quốc tế; Tiểu ban 2 - Nguồn lực văn hóa; Tiểu ban 3 - Giáo dục và phát triển nguồn nhân lực; Tiểu ban 4 - Chuyển giao tri thức và công nghệ; Tiểu ban 5 - Kinh tế và sinh kế; Tiểu ban 6 - Biến đổi khí hậu. |