Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Gần 30 năm, 23 lần điều chỉnh, lương hưu tăng bao nhiêu lần?

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, để bảo đảm đời sống cho người nghỉ hưu, từ năm 1995 đến hết năm 2023, Quốc hội, Chính phủ đã tiến hành 23 lần điều chỉnh lương hưu.

Theo đề xuất của Chính phủ, dự kiến từ ngày 1/7, mức lương hưu và trợ cấp BHXH được điều chỉnh tăng 15%. Khi đề xuất này được thông qua sẽ là mức tăng lương hưu cao nhất từ trước đến nay.

Đánh giá của các cơ quan chức năng, các chuyên gia, người dân, doanh nghiệp, việc điều chỉnh lương hưu với mức tăng cao lần này đảm bảo công bằng, hài hòa, hợp lý.

Với mức điều chỉnh lương hưu lần này, TS Bùi Sỹ Lợi - nguyên Phó Chủ nhiệm ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc Hội cho rằng: “Trong điều kiện khó khăn hiện nay, chúng ta đã kiềm chế được lạm phát, việc điều chỉnh tăng lương hưu và trợ cấp BHXH dự kiến 15% là cố gắng rất lớn của Chính phủ, thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến người hưởng lương hưu”.

BHXH Việt Nam sẵn sàng tập trung mọi nguồn lực để thực hiện khi đề xuất được thông qua
BHXH Việt Nam sẵn sàng tập trung mọi nguồn lực để thực hiện khi đề xuất được thông qua

Trước thông tin về đề xuất tăng lương hưu và trợ cấp BHXH, người thụ hưởng hiện rất vui mừng, phấn khởi. Về hưu đã gần 20 năm, ông Nguyễn Văn An (sinh năm 1948, Hà Nội), công tác trong một cơ quan Nhà nước cho biết, Nhà nước đã nhiều lần điều chỉnh tăng lương.

Mỗi kỳ điều chỉnh, mức tăng các nhóm đối tượng: cán bộ, công chức, viên chức và người về hưu là tương đương nhau. Điều này đã tạo sự đồng thuận, công bằng cho đối tượng nghỉ hưu trước và sau thời điểm tăng lương và không có sự chênh lệch nhiều.

Trước thông tin Chính phủ đề xuất tăng lương hưu 15%, ông An cho rằng, mức tăng 15% là hợp lý, đảm bảo tốt vấn đề an sinh xã hội trong giai đoạn hiện nay.

Theo BHXH Việt Nam, để bảo đảm đời sống cho người nghỉ hưu, từ năm 1995 đến hết năm 2023, Quốc hội, Chính phủ đã tiến hành 23 lần điều chỉnh lương hưu. Sau nhiều lần điều chỉnh, mức lương của người nghỉ hưu hiện nay đã tăng từ 21 đến 26 lần so với mức lương hưu tại thời điểm năm 1995.

Mức hưởng lương hưu không cố định tại thời điểm nghỉ hưu mà định kỳ được điều chỉnh tăng theo chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế phù hợp với ngân sách Nhà nước và Quỹ BHXH để đảm bảo cuộc sống của người nghỉ hưu.

Việc điều chỉnh mức hưởng lương hưu đã và đang góp phần nhằm ổn định cuộc sống cho người nghỉ hưu, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Nhà nước đối với người lao động khi hết tuổi lao động.

Ngoài lương hưu hằng tháng, người hưởng còn được cấp thẻ BHYT miễn phí trong suốt thời gian nghỉ hưu để được hưởng các quyền lợi khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe do quỹ BHYT chi trả với mức hưởng là 95%.

Hiện cả nước có hơn 3,3 triệu người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hàng tháng. Người hưởng lương hưu trí bình quân từ quỹ BHXH đạt khoảng 5,6 triệu đồngngười/tháng, còn người hưởng lương hưu từ nguồn ngân sách Nhà nước là 4,7 triệu đồng/người/tháng.

Người có lương hưu cao nhất là ở TP Hồ Chí Minh với số tiền nhận về khoảng 140 triệu đồng/tháng. Số tiền lương hưu hằng tháng thấp nhất của người thụ hưởng hiện nay 1,8 triệu đồng/người/tháng, trừ đối tượng là người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn.

Để gia tăng số người thụ hưởng lương hưu khi hết tuổi lao động, thời gian qua, các cơ quan chức năng triển khai nhiều giải pháp nhằm thu hút người dân tham gia BHXH khi còn độ tuổi lao động, đồng thời hạn chế số người rời khỏi hệ thống an sinh bằng cách rút BHXH một lần.

Phấn đấu đến cuối năm 2025, cả nước có khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH; khoảng 55% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu và các chế độ trợ cấp. Đến năm 2030, cả hai tỉ lệ đều tăng lên 60%.