Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Gắn đào tạo với nhu cầu sử dụng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nguồn nhân lực dồi dào và trẻ, nhưng số lao động qua đào tạo có chuyên môn kỹ thuật lại chiếm tỷ lệ thấp, do đó chất lượng nguồn nhân lực đang... tụt hậu. Thực trạng này hiện đang diễn ra phổ biến ở nhiều lĩnh vực, nhiều tỉnh, thành cả nước

 Đào tạo thiếu gắn kết

Dù có ưu điểm cần cù và chịu khó, song lao động có trình độ học vấn trong nước lại chiếm tỷ lệ thấp. Sinh viên tốt nghiệp ĐH, CĐ có kiến thức chuyên môn không kém một số nước trong khu vực, nhưng lại thua kỹ năng nghề nghiệp, thiếu kỹ năng giao tiếp và tiếng Anh, cũng như kiến thức thực tế về một công việc nào đó. Đó là lý do khiến các nhà đầu tư khó tuyển dụng được lao động có chất lượng.
Sinh viên trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội trong giờ thực hành công nghệ thông tin.            Ảnh: Hải Linh
Sinh viên trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội trong giờ thực hành công nghệ thông tin. Ảnh: Hải Linh
Thực tế, Việt Nam chưa bao giờ tạo được sự gắn kết giữa kế hoạch giáo dục ĐH với phát triển kinh tế. Sự bùng nổ các trường ĐH trong 8 năm qua chỉ xuất phát từ xu thế đại chúng hóa giáo dục ĐH, mà không tính đến khả năng và nhu cầu của nền kinh tế. Các trường chỉ cung cấp cho người học cái mình có, chứ chưa phải thứ mà nền kinh tế cần. TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến - nguyên trợ lý Bộ trưởng Bộ GD&ĐT chỉ ra 5 sự thiếu gắn kết trong giáo dục ĐH. Trong đó, ông đặc biệt nhấn mạnh sự thiếu gắn kết giữa các trường với nhu cầu kỹ năng mà nhà tuyển dụng cần, nhất là kiến thức thực hành về công việc và thái độ làm việc của người lao động. Tiếp đến là mối liên hệ lỏng lẻo về khoa học và công nghệ giữa các cơ sở giáo dục ĐH với DN. Chỉ có 3% DN tuyên bố hợp tác với trường ĐH về phát triển sản phẩm. Việc giảng dạy và nghiên cứu, mối liên hệ giữa các trường với các viện nghiên cứu cũng thiếu gắn kết…

Đồng tình với quan điểm này, GS.TSKH Nguyễn Minh Đường - Ủy viên Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực còn chỉ ra thêm 2 nguyên nhân dẫn đến chất lượng nhân lực thấp. Đó là cơ cấu hệ thống đào tạo chồng chéo, trùng lặp, làm mất tính chỉnh thể của hệ thống; Các cơ quan sử dụng, quản lý lao động và DN chưa đề ra được nhu cầu nhân lực về cơ cấu ngành nghề và trình độ trong từng kế hoạch 5 năm để đặt hàng cơ sở đào tạo.

Cần chiến lược phát triển nguồn nhân lực

Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, một chuyên viên của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam kiến nghị, ngành giáo dục nên có sự phân luồng giữa đào tạo hàn lâm và dạy nghề, cũng như mở rộng các trường đào tạo nghề. Ông cho biết: “Tập đoàn phải sử dụng các kỹ sư học 5 năm đi làm công nhân rất lãng phí, trong khi chỉ cần học 1,5 năm là đủ. Đối với những nghề yêu cầu kỹ năng đơn giản, cần có khung đào tạo phù hợp. Đào tạo công nhân trình độ thấp lại yêu cầu học ngoại ngữ, tin học thì lãng phí thời gian và kinh phí”.

Cùng với việc phân luồng, Nhà nước cần có quy hoạch dài hạn và kế hoạch 5 năm về phát triển nhân lực để đặt hàng các trường. Các cơ quan quản lý Nhà nước về đào tạo cũng cần quy hoạch lại mạng lưới các trường từ dạy nghề đến phổ thông một cách đồng bộ, thống nhất từ T.Ư đến vùng miền. Đồng thời, giám sát chặt việc tuyển sinh đáp ứng nhu cầu xã hội cũng như triệt để phân cấp quản lý, tăng cường quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội cho các trường.

Song, để làm được những việc này, các chuyên gia cho rằng, trước hết, hệ thống giáo dục ĐH phải được tái cơ cấu. Nhà nước chuyển mô hình cấp kinh phí cho các cơ sở theo yếu tố đầu vào sang đầu ra, để đồng tiền được sử dụng hiệu quả nhất. Cũng nên ưu tiên đào tạo các chương trình nghề nghiệp ứng dụng gắn với yêu cầu nâng cao tính cạnh tranh của DN, và chú trọng các nghiên cứu ứng dụng. Trình độ và thời gian đào tạo của các chương trình cũng cần được tính toán thích hợp để có sự tương thích với hệ thống giáo dục ĐH của các nước trong khu vực và thế giới. Tất nhiên, tái cơ cấu phải theo hướng xây dựng và phát triển quan hệ đối tác công - tư cũng như việc quản lý các cơ sở giáo dục ĐH theo hướng phát huy quyền tự chủ đi đôi với trách nhiệm.