Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Gắn kết giao thông nông thôn giữa nội - ngoại thành

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xác định rõ việc xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn (GTNT) là tiền đề quan trọng...

Kinhtedothi - Xác định rõ việc xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn (GTNT) là tiền đề quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của ngoại thành, nhiệm kỳ 2010 - 2015, TP đã có nhiều chính sách quan tâm đầu tư hệ thống GTNT, từng bước hiện đại hóa hạ tầng xã hội.

Xã hội hóa trong xây dựng

Hà Nội hiện có 30 đơn vị hành chính cấp quận - huyện, 584 phường - xã với 21.471km đường giao thông, trong đó có tới 19.563km đường GTNT. Chính vì vậy, Thành ủy, UBND TP đã đặc biệt chú trọng phát triển mạng lưới GTNT, coi đây là nhiệm vụ hàng đầu trong chương trình xây dựng nông thôn mới, tạo sự gắn kết giữa nội - ngoại thành, giữa Hà Nội với khu vực và cả nước. Ngay sau Đại hội XV, tháng 8/2011, Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội đã đề ra Chương trình 02-CTr/TU, với mục tiêu “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, từng bước nâng cao đời sống Nhân dân”; trong đó, việc xây dựng hạ tầng GTNT được coi là tiền đề quan trọng, có vai trò quyết định hàng đầu.
Đường giao thông khang trang cùng hệ thống xe buýt kết nối trung tâm Thủ đô về huyện Đông Anh. Ảnh: Chiến Công
Đường giao thông khang trang cùng hệ thống xe buýt kết nối trung tâm Thủ đô về huyện Đông Anh. Ảnh: Chiến Công
Nhận thức được nhiệm vụ nặng nề, đòi hỏi phải có nguồn lực kinh tế vô cùng lớn và sự tính toán, quy hoạch bài bản, khoa học hướng tới sự phát triển bền vững, lâu dài, UBND TP đã có Quyết định số 16/2012/QĐ-UBND cho phép thí điểm một số chính sách mới, khuyến khích phát triển xây dựng hạ tầng GTNT. Trong đó, chính sách trọng tâm được áp dụng là: Xã hội hóa xây dựng, kêu gọi Nhân dân cùng làm, cùng giữ gìn, bảo vệ hạ tầng GTNT.

Theo phân cấp, TP sẽ quản lý, tập trung đầu tư đồng bộ để hoàn thiện hệ thống khung, đảm bảo mạng lưới đường sá kết nối nội bộ và thông thương với bên ngoài. Cụ thể, TP đã đầu tư kinh phí hoàn thiện các tuyến đường: Vành đai 2, 3, triển khai Vành đai 4, nâng cấp các trục xuyên tâm như QL6, QL1A… Kết nối chặt chẽ với hệ thống trục chính đó là mạng lưới GTNT được xây dựng đồng bộ từ cấp huyện đến xã, thôn, ngõ xóm. Trong đó, các đường liên xã do cấp huyện đầu tư xây dựng, đường liên thôn, xóm do người dân cùng đóng góp, chia sẻ bằng nhiều hình thức như hiến đất, góp tiền, góp công lao động…

Bảo vệ thành quả

Sau 5 năm tập trung xây dựng, Hà Nội đã huy động được 53.787 tỷ đồng vốn đầu tư xây dựng, phát triển hạ tầng GTNT; 100% đường liên xã, trục xã, 95% đường liên thôn, trục thôn đã được cứng hóa theo tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia; 90% đường ngõ xóm được cứng hóa đáp ứng quy định không lầy lội về mùa mưa trở lên; 80% đường trục chính nội đồng được cứng hóa bằng bê tông xi măng, cấp phối.

Hệ thống giao thông xuyên suốt, rộng khắp địa bàn đó đã giúp kéo gần khoảng cách giữa các vùng ngoại thành với nội đô, giữa Hà Nội với các địa phương lân cận; tạo điều kiện tối đa cho việc giao thương, đi lại của Nhân dân.

Đến nay, 109/386 xã của Hà Nội đã đạt chuẩn nông thôn mới, nhiều xã, huyện được Bộ GTVT khen thưởng thành tích thi đua xây dựng GTNT như xã Hoàng Diệu (huyện Mê Linh), Đông La (huyện Hoài Đức), Trung Châu, Song Phượng (huyện Đan Phượng), Sơn Đông (thị xã Sơn Tây)… Nhờ có mạng lưới giao thông thuận lợi, nhiều địa phương đã có điều kiện phát triển kinh tế, các ngành nghề thủ công, góp phần nâng cao đời sống Nhân dân như xã Dương Xá (Gia Lâm), Nghĩa Hương (Quốc Oai), Chương Dương (Thường Tín)…

Tuy nhiên, bên cạnh những niềm vui đó, Hà Nội còn không ít lo toan đối với hạ tầng GTNT. Hiện, TP vẫn cần hàng chục ngàn tỷ đồng để hoàn thiện, mở rộng nhiều tuyến đường liên xã, nâng cấp đường thôn xóm và đặc biệt là kinh phí duy tu, bảo trì hạ tầng giao thông.

Trong một cuộc trao đổi với chúng tôi, ông Ngô Mạnh Tuấn - Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội trăn trở: “Để phát huy thành quả dày công xây dựng suốt 5 năm qua, TP rất cần sự chia sẻ, chung sức chung lòng của Nhân dân. Trước tiên, người dân cần có ý thức bảo vệ, giữ gìn để đường sá được bền lâu; bên cạnh đó, nguồn kinh phí bảo trì đường thôn, xã cũng cần phải xã hội hóa, kêu gọi người dân chia sẻ đóng góp để TP có thể tập trung hoàn thành những công trình lớn, sớm hoàn thiện mạng lưới GTNT, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội trên toàn địa bàn”.
Cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động người dân hiến đất, góp công xây dựng hạ tầng GTNT. Nếu được Nhân dân ủng hộ, chia sẻ, công việc dù khó khăn, nặng nề đến mấy cũng có thể hoàn thành.
Trưởng phòng Quản lý đô thị thị xã Sơn Tây

Nguyễn Viết Đạt
Từ hiệu quả thiết thực của chương trình phát triển GTNT những năm qua, đề nghị TP và huyện tiếp tục cho triển khai mô hình xã hội hóa để xây dựng mạng lưới giao thông nội đồng, tạo điều kiện cho người nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất trên đồng ruộng.
Chủ tịch UBND xã Chương Dương (huyện Thường Tín)

Huỳnh Ngọc Huệ