Gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp
Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc liên kết chặt chẽ hơn giữa các trường đại học (ĐH), cao đẳng với DN sẽ giải bài toán chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh hội nhập.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 mang lại nhiều cơ hội mới cho các nền kinh tế, song thách thức cũng không hề nhỏ khi các ngành nghề mới đòi hỏi trình độ, kỹ thuật cao. Vì vậy, công tác đào tạo nguồn nhân lực cũng phải thay đổi để phù hợp với yêu cầu hội nhập.
 Hợp tác giữa các trường ĐH và DN là yếu tố cốt lõi trong phát triển nguồn nhân lực
Theo PGS.TS Trần Đức Quý – Hiệu trưởng trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao rất quan trọng trong việc đón nhận CMCN 4.0. Hiện một số giáo viên trẻ của trường đã đi thực tế tại DN, đi nghiên cứu sinh ở nước ngoài để vận dụng lý thuyết vào thực tiễn. Bên cạnh đó, ngoài việc đưa sinh viên đi thực tập tại DN trong và ngoài nước, trường còn mời các DN tham gia vào quá trình đào tạo, trực tiếp giảng dạy cho sinh viên về kỹ năng làm việc…
“Trường đã liên kết với hơn 2.000 DN trong quá trình đào tạo, thậm chí DN còn ủng hộ máy móc vào thực hành với mong muốn chất lượng sinh viên có thể đáp ứng với nhu cầu sản xuất, kinh doanh” - PGS.TS Trần Đức Quý nói.
Là DN đã liên kết với Khoa Công nghệ thông tin (ĐH Công nghiệp Hà Nội), Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Công nghệ tin học EFY Việt Nam Hoàng Văn Thuấn nhấn mạnh, mô hình kết hợp giữa DN - nhà trường sẽ tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao phù hợp với nhu cầu thực tiễn. Các sinh viên sẽ đến DN tìm hiểu, học tập kinh nghiệm qua các chuyến thực tập với mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng, tư vấn và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội.

Cuộc CMCN 4.0 đòi hỏi sự thay đổi trong phương pháp quản trị, đào tạo và hợp tác chặt chẽ hơn giữa nhà trường - nhà khoa học - DN để chia sẻ các nguồn lực chung. Nêu quan điểm về vấn đề này, Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng - Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) nhận định: Trước đây, người ta học trước rồi mới làm, nay làm trước rồi học sau. Đối với giảng dạy, nếu trước là dạy sâu chuyên ngành thì nay phải là đa ngành. Bên cạnh đó, hạ tầng của nhà trường không chỉ là sách và thư viện mà cần giống như một nhà máy để sinh viên thực tập, hành nghề.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh chỉ rõ, để đảm bảo mục tiêu cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cao trong quá trình hội nhập, các cơ sở giáo dục, đào tạo cần quyết liệt thực hiện việc chuyển đổi mô hình đào tạo theo hướng chủ động nắm bắt, đón đầu xu thế và yêu cầu của thị trường lao động.
“Đẩy mạnh công tác dự báo nhu cầu thị trường sẽ tạo ra những thay đổi rất lớn cơ cấu việc làm trong xã hội từ CMCN 4.0. Do đó, cần phải nắm bắt được những thay đổi này và có những điều chỉnh kịp thời trong hoạt động đào tạo của nhà trường” - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh yêu cầu.
Hợp tác giữa các trường ĐH và DN là yếu tố cốt lõi trong phát triển nguồn nhân lực gắn liền yêu cầu thực tiễn, đáp ứng nhu cầu của xã hội. Nhà trường nên có cơ chế khuyến khích giảng viên tới DN để tiếp cận thực tế, nắm bắt yêu cầu của DN và mời chuyên gia giỏi từ DN tham gia giảng dạy, hướng dẫn tại trường.
TS Nguyễn Văn Thành - Giám đốc Trung tâm Hợp tác DN (ĐH Công nghiệp Hà Nội)