Đó là khẳng định của Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn tại Hội nghị "Giao ban tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy triển khai một số dự án FDI trên địa bàn TP", ngày 22/4.
Vướng GPMB, quy hoạch
Ghi nhận ý kiến phản ánh của nhiều DN FDI tại hội nghị cho thấy, bên cạnh một số dự án gặp khó khăn trong GPMB cũng có những dự án phải chờ điều chỉnh khớp nối hạ tầng hoặc chờ phê duyệt quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết dự án hoặc vướng về mặt bằng thi công xây dựng… "Năm 2006, dự án Khu đô thị (KĐT) Trung tâm Tây Hồ Tây nhận được giấy phép đầu tư nhưng trong 9 năm thực hiện dự án thì công tác GPMB vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung dành cho dự án triển khai cũng rất chậm" - ông Điền Quang Trang - Tổng Giám đốc Dự án KĐT Trung tâm Tây Hồ Tây nếu ví dụ.
Trước những ý kiến từ phía DN, đại diện Sở KH&ĐT cho biết, hiện nay, TP có khoảng 144 dự án FDI kinh doanh BĐS, khu đô thị, vui chơi giải trí, siêu thị, y tế, giáo dục, sản xuất… Tuy nhiên, có đến 32 dự án mặc dù đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư nhưng tiến độ triển khai chậm triển khai vì những lý do trên. Trong số đó 12 dự án gặp khó khăn về quy hoạch. Cụ thể, 3 dự án phải chờ quy hoạch phân khu gồm: Dự án KCN Bắc Thường Tín; Trấn Sông Hồng; Khu nhà ở sinh thái VIT - Tiền Phong; 9 dự án phải chờ Quy hoạch chi tiết 1/500. 8 dự án khác gặp khó khăn về GPMB và bàn giao đất gồm: Dự án KĐT Trung tâm Tây Hồ Tây, KĐT Nam Thăng Long giai đoạn 2, KĐT C2 Gamuda; Công viên Yên Sở; Trường Quốc tế Grammar School, Khu nhà ở của Công ty Togi Việt Nam, Tổ hợp y tế Phương đông; Cao ốc Quốc tế Hồ Tây. "Dự án Cao ốc Quốc tế Hồ Tây vướng nhà dân ảnh hưởng mặt bằng thi công xây dựng; Dự án tòa nhà Đất Hồ Tây vướng đường dẫn cầu Nhật Tân ảnh hướng kiến trúc và khoảng cách công trình dự án" - Giám đốc Sở KH&ĐT Ngô Văn Quý thừa nhận.
Trách nhiệm của DN không nhỏ
Muốn đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư FDI đòi hỏi UBND TP Hà Nội đẩy nhanh tiến độ GPMB, từ đó hỗ trợ cho DN triển khai dự án đúng tiến độ cũng như cam kết thực hiện dự án.
Đại diện Sở KH&ĐT, Sở TN&MT khẳng định trong thời gian tới sẽ đẩy nhanh việc thực hiện thủ tục điều chỉnh quy hoạch chi tiết dự án, giấy chứng nhận đầu tư, sớm phê duyệt quy hoạch để DN sớm triển khai dự án; Thúc đẩy nhanh việc GPMB, bàn giao đất. Đối với các dự án quy mô sử dụng đất lớn nhưng thời gian giải quyết khó khăn về GPMB, chứng nhận đầu tư kéo dài, Sở KH&ĐT sẽ báo cáo UBND TP từ đó tháo gỡ từng vấn đề cụ thể phát sinh trong triển khai thực hiện dự án. Giám đốc Sở KH&ĐT Ngô Văn Quý khẳng định, Sở sẽ có văn bản đề xuất UBND TP giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành liên quan làm việc với chủ đầu tư về công tác quy hoạch, GPMB, đồng thời báo cáo kết quả, nội dung làm việc với UBND TP để có hướng xử lý, giải quyết. Riêng với 8 dự án khó khăn về công tác GPMB và bàn giao đất, ông Quý kiến nghị: "UBND TP chỉ đạo Ban chỉ đạo GPMB TP và UBND các quận, huyện nơi có dự án thúc đẩy hỗ trợ, tạo điều kiện, phối hợp cùng với nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ GPMB bàn giao đất".
Trả lời những kiến nghị giảm, hoãn tiền sử dụng đất cho các DN, đại diện Sở TN&MT cho biết: Trong thời gian tới, Sở TN&MT sẽ phối hợp với Cục Thuế Hà Nội tiến hành tổng hợp, rà soát các DN FDI đang triển khai dự án đầu tư từ đó xây dựng danh sách nhưng DN đủ điều kiện thực hiện miễn giảm hoãn tiền sử dụng đất.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn yêu cầu, từ nay đến hết ngày 30/5 Sở QHKT, TN&MT, Ban GPMB, các quận, huyện rà soát quy hoạch, đưa ra các phương án điều chỉnh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN FDI; Sở KH&ĐT tiếp nhận mọi phản ánh, kiến nghị của DN FDI thông qua đường dây nóng, nghiên cứu báo cáo TP về hạ tầng khung của các dự án FDI trên địa bàn. Phó Chủ tịch nhấn mạnh, quan điểm của UBNDT TP Hà Nội luôn kêu gọi thu hút đầu tư nước ngoài để phát triển kinh tế - xã hội, cam kết chính quyền TP luôn đồng hành với cộng đồng DN tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh một cách hiệu quả. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND TP cũng yêu cầu các DN FDI chủ động triển khai các dự án đúng tiến độ khi đã được UBND TP hỗ trợ tạo điều kiện, nếu không đảm bảo tiến độ, UBND TP sẽ xử lý vi phạm, thậm chí thu hồi theo quy định pháp luật.
Kiểm tra chất lượng sản phẩm tại Công ty TOHO Việt Nam. Ảnh: Hải Linh
|
Hiện Hà Nội thu hút được 3.169 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 26,3 tỷ USD từ 63 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các dự án FDI đã đóng góp 15% trong tổng vốn đầu tư xã hội và chiếm khoảng 16,5% cơ cấu GDP của TP. |