KTĐT - Theo vị lãnh đạo ngân hàng thương mại nhà nước, yếu tố đầu tiên cần tính tới khi tăng lãi suất thị trường là dòng tiền gửi của người dân.
Lãi suất cơ bản, có lẽ ít ai ngờ, đã trở thành sự quan tâm thực sự của giới đầu tư trong hơn suốt một năm qua, lần này cũng vậy.
Khi mà các phỏng đoán về sự thay đổi lãi suất cơ bản đang lan truyền trong giới đầu tư cũng như người gửi tiền, các chuyên gia HSBC đã có những dự báo của riêng họ rằng, lãi suất cơ bản sẽ tăng lên mức 12% trong năm 2010. Các chuyên gia của HSBC cho rằng, lãi suất cơ bản sẽ tăng đều đặn 1% mỗi quý trong năm 2010. Sở dĩ những bình luận này nhận được sự quan tâm là bởi sự tác động mạnh mẽ của lãi suất cơ bản tới thị trường ngân hàng và các kênh đầu tư khác.
"Một trong 100"
Khi nhận xét về các dự báo của các chuyên gia HSBC, một chuyên gia tài chính nói vui: “Các chuyên gia của HSBC hiện đang làm việc tại văn phòng Singapore có thể nên tới Việt Nam để hiểu những gì đang diễn ra".
Một vị lãnh đạo ngân hàng thương mại nhà nước thì nói thẳng rằng, dự báo như vậy là quá cao. Theo đánh giá cá nhân của vị này, lãi suất cơ bản trong năm 2010 chỉ tăng tối đa tới mức 10%/năm (trừ trường hợp không còn sử dụng cơ chế quản lý lãi suất theo lãi suất cơ bản).
Các thông số hỗ trợ cho dự báo lãi suất cơ bản tăng lên mức 12% của các chuyên gia HSBC đều là những biến số. Trong đó, họ dự đoán trong quý II, lạm phát có thể sẽ tăng lên mức 10 - 12%.
Đương nhiên, các tổ chức khác nhau có quyền được đưa ra các dự đoán khác nhau. Nhưng, như bà Dương Thu Hương, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam nhận định, đây dù sao cũng chỉ là một trong cả trăm báo cáo dự đoán khác nhau. Đã là dự đoán thì sai có, đúng có.
Thị trường trả lời
Theo vị lãnh đạo ngân hàng thương mại nhà nước, yếu tố đầu tiên cần tính tới khi tăng lãi suất thị trường là dòng tiền gửi của người dân.
"Sang tới năm 2010, người gửi tiền cá thể có xu hướng gửi tiền dài hơn. Hiện tại, đa số đều chọn mức 3 tháng. Theo đánh giá của tôi, sự ổn định lãi suất trong hai tháng đầu năm sẽ khiến người gửi tiền quyết định gửi tiền tại các kỳ hạn dài hơn", vị lãnh đạo này nhận định.
Hiện nay, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đang có theo xu hướng đi xuống. Các kỳ hạn 1 - 4 tuần đang được giao dịch ở mức 8,5 - 10,0%/năm và quan trọng hơn là rất nhiều ngân hàng đang chào cho vay vốn, đặc biệt là các ngân hàng nước ngoài. Nghĩa là thanh khoản của hệ thống ngân hàng đã tốt hơn rất nhiều so với 2 tuần trước.
Có được điều này là do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang thực hiện đúng cam kết ổn định thanh khoản hệ thống ngân hàng trong những tuần giáp Tết Nguyên đán. Lượng cung tiền qua thị trường mở (OMO) những ngày vừa qua thậm chí vượt nhu cầu của các ngân hàng.
Theo lý giải của một lãnh đạo ngân hàng thương mại cổ phần, trong thời gian trước Tết Nguyên đán, doanh nghiệp thường có xu hướng rút tiền gửi phục vụ các mục đích thanh toán và tổng số tiền gửi có thể giảm đi. "Nhưng sau Tết, lượng tiền gửi sẽ tăng khá nhanh và khi đó, các ngân hàng mới thực sự bắt đầu một vòng quay tín dụng mới và việc vay vốn sẽ dễ dàng hơn nhiều".
Liệu có tăng lãi suất cơ bản?
Còn theo lãnh đạo một ngân hàng thương mại, nếu nhìn từ góc độ thanh khoản ngân hàng thì việc tăng lãi suất cơ bản để "nới trần" cho huy động và cho vay thì có thể chưa cần thiết bởi tình hình thanh khoản đã cải thiện tốt. Tuy nhiên, ở góc độ cân đối vĩ mô thì chắc chắn NHNN sẽ phải có sự tính toán riêng.
Đương nhiên, diễn biến của chỉ số giá tiêu dùng có thể đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định có nâng lãi suất cơ bản hay không, nhưng cũng cần lưu ý rằng, mục tiêu của chính sách tiền tệ năm nay là ổn định nền kinh tế vĩ mô, mà không "chạy theo tăng trưởng".
Nhìn từ góc độ một chuyên gia lâu năm trong ngành ngân hàng, bà Hương cho rằng, việc tăng lãi suất cơ bản trong năm 2010 sẽ là một quyết định đòi hỏi sự cân nhắc rất cao. Lý do là hiện nay "lãi suất thực" đang dương, tức là lãi suất ngân hàng cao hơn mức độ lạm phát. Điều này có nghĩa là người gửi tiền không bị thiệt. Thêm vào đó, việc các doanh nghiệp không còn được hỗ trợ 4%/năm lãi suất cho các khoản vay ngắn hạn nên "tăng lãi suất sẽ khiến doanh nghiệp gặp khá nhiều khó khăn". Cộng cả hai yếu tố này lại thì việc tăng lãi suất cơ bản có vẻ là chưa cần thiết.