Kinhtedothi - Sáng 18/1, giá dầu Brent đã có thời điểm giảm xuống dưới 28 USD/thùng, sau khi lệnh cấm vận đối với Iran được gỡ bỏ, khiến giới đầu tư lo ngại xuất khẩu dầu của Iran sẽ sớm tăng mạnh trong bối cảnh thế giới đang thừa dầu.
Có thể giảm xuống 25 USD/thùng
Cuối tuần qua, lệnh trừng phạt đối với Iran được Mỹ và châu Âu dỡ bỏ. Động thái này đã tác động ngay lập tức đến giá dầu trong ngày 18/1. So với thời điểm cuối tuần trước, giá dầu Brent quốc tế đã giảm tổng cộng 2%. Giá dầu thô Mỹ mất 64 cent xuống còn 28,78 USD/thùng. Đây là mức giá thấp nhất của dầu Brent kể từ tháng 11/2003.
Bình luận về các biến động của giá dầu, ông Ric Spooner - chuyên gia phân tích thuộc Công ty CMC Markets ở Sydney cho rằng, áp lực giảm giá tiếp tục đè nặng lên dầu do tình trạng dư cung.
Ngay sau khi lệnh cấm vận được dỡ bỏ, Thứ trưởng Bộ Dầu mỏ Amir Hossein Zamaninia tuyên bố, Iran đã sẵn sàng tăng lượng xuất khẩu dầu thô. Tuyên bố này khiến nhiều chuyên gia đã đưa ra dự đoán giá dầu vẫn sẽ còn giảm sâu trong những ngày tới. “Nguồn cung dầu mới từ Iran sẽ gia tăng thêm sức ép đối với giá dầu, có thể khiến giá giảm còn 25 USD/thùng” - nhà phân tích Gordon Kwan thuộc Nomura Holdings nhận định. Bên cạnh đó, có thể Iran sẽ giảm giá dầu để thu hút thêm khách hàng, qua đó kéo giá dầu tiếp tục lao dốc, một số chuyên gia của Ngân hàng ANZ cho hay.
Dự báo xấu cho kinh tế thế giới
Giá dầu lao dốc đã có ảnh hưởng tiêu cực tới các sàn chứng khoán ở châu Á. Chỉ số MSCI của cổ phiếu châu Á - Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) giảm 1% trong những giờ giao dịch đầu ngày. Chỉ số này đã giảm 11% kể từ đầu năm 2016. Trong khi đó, chỉ số Nikkei của Nhật Bản giảm đến 2,8% xuống mức thấp nhất trong một năm. Tại Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite giảm gần 2%.
Trên thị trường tiền tệ, những đồng tiền gắn với hàng hóa hứng chịu mức giảm lớn nhất. Đồng đô la Canada giảm xuống mức tương đương năm 2003 trước khi tăng điểm. Đồng Euro cũng giảm so với đồng USD, về mức 1 euro đổi được 1,09 USD.
Việc giá dầu đi xuống khiến nhiều người e ngại cho sức khỏe kinh tế thế giới. Trực diện nhất là các công ty khai thác dầu. Tại Mỹ, hiện đã có hơn 30 công ty dầu quy mô nhỏ nộp đơn xin bảo hộ phá sản kể từ đợt giảm giá dầu từ năm ngoái. Các công ty này có tổng số nợ hơn 13 tỷ USD. Theo Wolfe Research, sẽ có tới 1/3 số công ty khai thác dầu khí của Mỹ đối mặt với nguy cơ lâm vào cảnh phá sản và tái cơ cấu trong thời gian từ nay đến giữa năm 2017.
Còn với Nga, nền kinh tế có nguồn thu lớn từ dầu, Thủ tướng Dmitry Medvedev đã phải thừa nhận “những rủi ro nghiêm trọng” đối với ngân sách khi giá dầu đang lao dốc và đồng nội tệ mất giá. Trong 2 tuần qua, đồng Rúp của Nga đã mất hơn 5% giá trị. Theo Ngân hàng Thế giới, kinh tế Nga đã suy giảm khoảng 4,3% trong năm 2015 và tiếp tục rơi vào suy thoái trong năm nay.
Quốc gia Nam Mỹ Venezuela - nơi nền kinh tế phụ thuộc 96% vào dầu mỏ, cũng vừa phải ban bố tình trạng khẩn cấp kinh tế kéo dài 6 tháng vào cuối tuần trước.
Việc Iran tăng sản lượng khiến thế giới lâm vào cảnh “thừa mứa” dầu.
|