Đây là sự ghi nhận đối với những nỗ lực phát triển và thành tựu của bóng đá Việt Nam trong năm 2017 khi có đến 6 đội tuyển lọt vào vòng chung kết (VCK) châu Á. Ấy vậy nhưng, sau niềm vui vì được vinh danh từ Đông Nam Á đến châu Á, những nhà quản lý bóng đá Việt Nam đang đau đầu giải bài toán mang tên tài chính.
Nhà nghèo vượt khóViệc VFF được AFC trao danh hiệu cao quý khiến nhiều người bất ngờ. Với một bộ phận dư luận, 2017 là năm thất bại của bóng đá Việt Nam khi không hoàn thành tham vọng vô địch SEA Games. Thậm chí, vì thất bại của đội bóng trẻ U22 Việt Nam mà nhiều người đã bền bỉ kêu gọi một cuộc cách mạng về nhân sự ở VFF. Những chỉ trích nhắm tới tấp vào tổ chức này với hy vọng mang đến sự thay đổi, thậm chí là bầu cử sớm Ban Chấp hành. Thậm chí, khi VFF được LĐBĐ Đông Nam Á trao đến 5 danh hiệu xuất sắc thì rất nhiều ý kiến cho rằng, sự vinh danh ấy chỉ mang tính ngoại giao chứ không phản ánh thực chất nền bóng đá.
|
Đại diện VFF tại lễ trao giải. |
Thế nhưng, khi Chủ tịch AFC Samal Khalifa đến Việt Nam và dành những lời có cánh cho bóng đá Việt Nam thì mọi người mới giật mình là các tổ chức quốc tế không đánh giá thành bại của cả một nền bóng đá dựa vào thành tích của một đội bóng trẻ ở sân chơi khu vực như SEA Games. Với AFC, họ quan tâm đến hệ thống đào tạo, các ĐTQG và định hướng đến sân chơi châu lục. Ở góc độ này, 2017 là năm lịch sử với bóng đá Việt Nam khi có đến 6 đội tuyển gồm: ĐTQG, nữ QG, futsal QG, U23, U20 và U16 giành vé vào VCK châu Á. Đây là thành tích mà không phải Liên đoàn nào cũng có được, đặc biệt là trong hoàn cảnh hiện tại của bóng đá Việt Nam. Thậm chí, Chủ tịch AFC coi bóng đá Việt Nam là tấm gương để nhiều nền bóng đá phải noi theo, bởi với một nền tảng tài chính không dồi dào nhưng vẫn xây dựng được một hệ thống đồng bộ. Cũng chính người đứng đầu AFC đã quyết định trao giải thưởng Liên đoàn bóng đá phát triển cho VFF trong cuộc đua với 46 thành viên khác.
Nỗi lo cơm áoViệt Nam là một trong số ít những nền bóng đá có đến 6 đội tuyển giành vé đến sân chơi khu vực. Nó khẳng định vị thế và hình ảnh của bóng đá Việt Nam với bạn bè quốc tế, đồng thời, tạo ra động lực để phát triển. Nhưng, so với bạn bè quốc tế, VFF chỉ là anh bạn “nhà nghèo vượt khó” bởi nền tảng tài chính của tổ chức này không thật sự dồi dào. Một năm, VFF có trên dưới 100 tỷ đồng chi cho mọi hoạt động. Số tiền này đến từ khoản hỗ trợ từ ngân sách nhưng phần lớn là tài trợ của ĐTQG. Việc có nhiều đội tuyển tham dự đấu trường lớn khiến VFF phải chi thêm khoản tiền cực lớn vào năm tới.
Muốn thành công, phải đầu tư cho các đội tuyển. Thậm chí, VFF phải đầu tư lớn và dài ngày với những chuyến tập huấn nước ngoài vốn rất tốn kém. Nhưng cái khó của VFF và cả Tổng cục Thể dục thể thao là họ không thể tăng thêm quá nhiều nguồn thu cho các khoản chi ngày một phình to. Tiền tài trợ cho ĐTQG gần như đã chốt và cũng chỉ đủ cho ĐTQG nam, nữ hoạt động. Các khoản thu khác không nhiều và cũng luôn bị động khiến VFF đang phải gồng mình cho bài toán tài chính.
Chắc chắn, Tổng cục Thể dục thể thao sẽ hỗ trợ VFF đáng kể trong một năm có nhiều sự kiện. Nhưng, ngân sách không phải là vô tận. Cũng chính vì điều này mà trong những ngày sắp tới, một trong những nhiệm vụ hàng đầu của VFF là phải tìm được các đối tác có đủ lực và sự nhiệt tình tham gia vào chiến lược “xã hội hóa bóng đá”. Chắc chắn, VFF sẽ bằng nhiều cách để đa dạng nguồn thu, tranh thủ sự trợ giúp từ các tổ chức quốc tế nhằm có thêm kinh phí đầu tư cho các đội tuyển trong năm tới.