Việt Nam là nước nằm trong top đầu xuất khẩu gạo trên thế giới. Hiện nay, thị trường xuất khẩu gạo bị cạnh tranh khốc liệt, còn thị trường nội địa với hơn 90 triệu dân cũng đang bị gạo ngoại cạnh tranh gay gắt.
Chị Nguyễn Thị Pha nhà ở đường Lê Văn Sỹ, quận 3, TP.HCM cho biết, nhà chị thường ăn gạo của Camphuchia do gia đình gửi từ An Giang lên, giá 17.000 đồng/kg. Khi nào gạo chưa chuyển lên kịp, chị đi siêu thị mua gạo của Thái Lan có tên gọi Thái Hom Mali với giá hơn 28.000 đồng/kg.
Theo chị Pha, giá gạo ngoại như vậy là chấp nhận được vì gạo ngoại ngon, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. “Gạo Việt Nam mình cũng sợ nhà nông sử dụng phân bón thuốc trừ sâu nhiều. Gạo Việt Nam cũng có nhiều loại đóng gói tốt nhưng không biết kiểm tra chất lượng thế nào”, chị Pha cho biết lý do khi chọn ăn gạo ngoại.
Không chỉ chị Pha mà nhiều gia đình có thu nhập cao ở thành phố cũng có xu hướng mua gạo ngoại. Họ cho biết, gạo ngoại thơm ngon, bao bì đẹp và đều là thương hiệu có chất lượng. Điều đáng nói là mặc dù giá những loại gạo này đắt gấp nhiều lần gạo nội địa, nhưng vẫn có người tiêu dùng lựa chọn.
Bà Phạm Thị Diễm Lệ - phụ trách kinh doanh của Công ty TNHH sản xuất thương mại Đại Nam chuyên bán gạo hữu cơ Ong Biển cho biết, Công ty đã thuê đất tại Long An, Đồng Tháp, Tây Ninh để sản xuất gạo hữu cơ, đồng thời xây dựng cánh đồng 200ha ở Quảng Trị chuyên canh về loại gạo này để cung cấp cho thị trường.
“Với giá 25.000 đồng/kg gạo được nhiều người chấp nhận và có khách hàng có thể chấp nhận giá cao hơn. Từ đó có thể thấy, nhu cầu gạo hữu cơ và gạo sạch ở người tiêu dùng rất cao, nên điều quan trọng là phải tạo cho người tiêu dùng niềm tin vào việc sử dụng gạo trong nước thật sự là gạo sạch”, bà Lệ cho biết.
Muốn người tiêu dùng sử dụng gạo Việt Nam chất lượng cao, các doanh nghiệp phải tạo niềm tin cho người tiêu dùng bằng uy tín, chất lượng sản phẩm. Bởi hiện nay, gạo nội địa có nhiều thương hiệu gạo ngon, sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đóng gói bao bì đẹp, đạt chuẩn như gạo Tâm Việt, Hương Việt, Cỏ May… nhưng kênh phân phối chưa phủ rộng và khó chen chân vào siêu thị, nhất là siêu thị ngoại.
Trong khi đó, siêu thị ngoại yêu cầu chiết khấu cao gấp đôi siêu thị nội, mức chiết khấu có khi lên gần 30% nên doanh nghiệp nội địa muốn đưa gạo ngon vào siêu thị cũng đành chào thua. Vì vậy, ngoài gạo Cỏ May có tiềm lực tốt với khoảng 600 điểm bán ở TP.HCM, còn lại rất ít doanh nghiệp có đủ năng lực để phát triển kênh bán lẻ.
Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hiệp hội Lương thực thực phẩm TP.HCM kiến nghị, Nhà nước cần có cơ chế cho các đơn vị bán lẻ tiềm năng lớn và hỗ trợ cho các doanh nghiệp này lớn mạnh, tiếp nhập hàng hóa của doanh nghiệp sản xuất lúa gạo, có như vậy sản phẩm gạo Việt mới có cơ hội thắng thế trên sân nhà.
Để cạnh tranh với gạo ngoại, ngoài việc tập trung xây dựng thương hiệu và nâng cao chất lượng sản phẩm của các doanh nghiệp, sự hỗ trợ của nhà nước để phát triển kênh phân phối, bán lẻ là cần thiết để hạt gạo Việt thơm ngon, an toàn luôn hiện diện trong mâm cơm của mọi gia đình.