Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Gấp rút lấy nước gieo cấy vụ Xuân

Ngọc Mai
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - So với những năm trước, công tác lấy nước gieo cấy vụ Xuân năm 2018 ít thuận lợi hơn do mực nước sông Hồng xuống thấp.

Chính vì vậy, hàng trăm cán bộ, công nhân ngành thủy lợi vẫn phải trực làm nhiệm vụ suốt những ngày nghỉ Tết Nguyên đán Mậu Tuất.
 Nông dân xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn làm đất gieo cấy vụ Xuân năm 2018
Chị Nguyễn Thị Thu Dung, công nhân Trạm bơm Ấp Bắc (huyện Đông Anh) cho biết, đây đã là năm thứ năm liên tiếp chị được phân công trực lấy nước trong những ngày Tết. Không chỉ với chị Dung mà đối với nhiều cán bộ, công nhân ngành thủy lợi, nhiều năm qua, Tết Nguyên đán dường như cũng không khác ngày thường!

Sau kỳ nghỉ Tết, 5 DN thủy lợi của Hà Nội vận hành tối đa công suất hàng chục trạm bơm phục vụ công tác lấy nước. Nhờ đó đến nay, hầu hết các địa phương trên địa bàn TP đã cơ bản đủ nước gieo cấy. Thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội cho thấy, tính đến ngày 21/2, toàn TP chỉ còn một phần diện tích thuộc ba huyện: Thạch Thất, Quốc Oai và Phúc Thọ hiện chưa có nước. Đối với diện tích này, ngành thủy lợi đã có giải pháp cụ thể. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Trần Thanh Nhã cho biết, đang tiếp tục chỉ đạo các DN thủy lợi huy động thêm máy bơm dã chiến lấy nước từ các kênh tiêu. Ngoài ra, sẽ sử dụng nguồn nước cấp từ hồ Đồng Mô.

Tổng hợp của Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) cho thấy, trong số 12 địa phương khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ có tổ chức lấy nước gieo cấy vụ Xuân năm 2018, hiện chỉ còn Hà Nội chưa lấy đủ nước. “Chúng tôi đã có văn bản đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam duy trì mực nước sông Hồng ở mức +3,2m trong giai đoạn từ nay tới hết tháng 2/2018 để Hà Nội có thể vận hành được các hệ thống trạm bơm phục vụ lấy nước cho vụ Xuân” - Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi Nguyễn Văn Tỉnh thông tin. Cũng theo ông Tỉnh, về lâu dài, Hà Nội cần nghiên cứu chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại những diện tích hiện gặp khó khăn về nguồn nước nhằm giảm áp lực cấp nước vào vụ Xuân.