Gazprom doạ “khóa van” đường ống dẫn khí đốt cho châu Âu

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tập đoàn dầu khí quốc gia Nga Gazprom đe dọa sẽ cắt nguồn cung khí đốt tới châu Âu qua Ukraine từ ngày 28/11 tới vì hành động bòn rút của Kiev.

Nga hiện đang duy trì việc trung chuyển khí đốt tới châu Âu qua Ukraine. Ảnh: Gazprom
Nga hiện đang duy trì việc trung chuyển khí đốt tới châu Âu qua Ukraine. Ảnh: Gazprom

Đài RT đưa tin, Gazprom cáo buộc Ukraine phân luồng nguồn khí đốt quá cảnh tới Moldova và giữ lại 52,52 triệu mét khối. Tập đoàn dầu khí quốc gia Nga cảnh báo sẽ cắt nguồn cung tới châu Âu thông qua trạm đo Sudzha để đáp trả hành động này.

Tuyên bố của Gazprom nêu rõ: "Khối lượng khí đốt mà Gazprom cung cấp qua trạm đo Sudzha (GMS) để vận chuyển đến Moldova qua ngả Ukraine nhiều hơn khối lượng khí đốt Moldova nhận được tại biên giới với Ukraine".

Ngày 21/11, Moldova đã thanh toán tiền mua khí đốt của Nga cho tháng 11. Gazprom cho biết Kiev đã giữ lại 52,52 triệu mét khối khí đốt mà tập đoàn chuyển cho Moldova qua lãnh thổ Ukraine.

Tập đoàn Gazprom cảnh báo rằng nếu tình trạng hao hụt vẫn tiếp diễn, họ sẽ giảm nguồn cung cấp khí đốt cho trạm đo Sudzha GMS để trung chuyển qua Ukraine từ 10 giờ sáng (giờ Moscow) ngày 28/11, “đúng bằng số lượng hao hụt hàng ngày”.

Tass đưa tin, trong ngày 23/11, nguồn cung khí đốt của Nga sang châu Âu qua trạm đo Sudzha đạt mức 42,4 triệu mét khối, theo dữ liệu được công bố trên trang web của Cơ quan điều hành hệ thống truyền dẫn khí đốt của Ukraine (GTSOU).

Sudzha vẫn là trạm duy nhất trung chuyển khí đốt của Nga đến các nước châu Âu qua lãnh thổ Ukraine sau khi các tuyến đường ống Nord Stream 1 và Nord Stream 2 bị hư hại do một số vụ nổ hồi tháng 9/2022.

Về phần mình, Ukraine hôm 22/11 đã bác bỏ cáo buộc của Gazprom. Cơ quan điều hành hệ thống truyền dẫn khí đốt của Ukraine tuyên bố, toàn bộ khối lượng khí đốt được Ukraine tiếp nhận tại biên giới với Nga đã được chuyển tới Moldova, tuy nhiên, một số lượng nhất định khí đốt đó được bơm ngược lại cho Ukraine để tạo “ vòng tuần hoàn ảo”.

Trong khi đó, Moldova - nước không tiếp giáp biển - gần đây đang phải hứng chịu tình trạng mất điện nghiêm trọng. Moldova đã kêu gọi sự hỗ trợ của quốc tế khi giá năng lượng tăng cao và lạm phát tăng vọt gây áp lực lớn cho người tiêu dùng ở một trong những quốc gia nghèo nhất châu Âu.

Theo Bộ Ngoại giao Pháp, sự hỗ trợ của quốc tế đóng vai trò hết sức quan trọng trong bối cảnh Moldova đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng chưa từng có khi mùa đông đến gần.

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần