Gazprom tiết lộ thông tin bất ngờ về khí đốt Nga xuất khẩu sang Trung Quốc

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo quan chức của tập đoàn dầu khí Nga Gazprom, dòng chảy khí đốt Nga sang Trung Quốc sắp sánh ngang với mức Moscow cung cấp cho Liên minh châu Âu (EU) trước khi khối này áp đặt lệnh trừng phạt.

Vào tháng 1/2023, Nga đã trở thành nhà cung cấp khí đốt tự nhiên lớn nhất cho Trung Quốc. Ảnh: RT
Vào tháng 1/2023, Nga đã trở thành nhà cung cấp khí đốt tự nhiên lớn nhất cho Trung Quốc. Ảnh: RT

Đài RT đưa tin, Giám đốc điều hành (CEO) tập đoàn Gazprom Aleksey Miller ngày 18/10 cho biết, nguồn khí đốt Nga cung cấp cho Trung Quốc sẽ sớm đạt mức nhập khẩu cao nhất của EU ghi nhận trước thời điểm khối này áp đặt lệnh cấm vận với lĩnh vực năng lượng của Moscow.

Theo CEO của Gazprom, Trung Quốc - quốc gia nhập khẩu năng lượng hàng đầu thế giới, là nước duy nhất đủ khả năng tiếp nhận lượng khí đốt Nga mà các khách hành ở EU từ chối do các lệnh trừng phạt chống Moscow liên quan đến chiến sự tại Ukraine.

Dữ liệu từ cơ quan hải quan Trung Quốc cho thấy vào tháng 1/2023, Moscow đã trở thành nhà cung cấp khí đốt tự nhiên lớn nhất cho Bắc Kinh.

Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak tiết lộ thêm, nguồn cung khí đốt cho Trung Quốc qua đường ống Power of Siberia đã tăng 50% trong năm nay lên 15,5 tỷ mét khối. Dự kiến, doanh số bán khí đốt của Nga sang Trung Quốc bằng đường ống Power of Siberia trong năm nay sẽ tăng 43%, lên khoảng 22 tỷ mét khối.

Trước đó, hồi tháng 6 năm nay, Phó Thủ tướng Novak đã công bố kế hoạch tăng xuất khẩu khí đốt của Nga sang thị trường châu Á lên 170 tỷ mét khối trong trong vòng 7 năm, sau khi các dự án cơ sở hạ tầng lớn được triển khai.

Nga dự kiến xây dựng đường ống Power of Siberia 2 qua lãnh thổ Mông Cổ để đưa khí đốt tới Trung Quốc và tăng nguồn cung khí đốt qua đường ống Power of Siberia.

Phát biểu tại Diễn đàn kinh doanh năng lượng Nga-Trung tại Bắc Kinh ngày 19/10, ông Igor Sechin - Giám đốc điều hành (CEO) của tập đoàn dầu mỏ Rosneft cho biết Nga đặt mục tiêu cung cấp hơn 30 tỷ mét khối khí đốt cho Trung Quốc trong năm 2023.

Trước đó, hôm 18/10, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố Bắc Kinh ủng hộ việc xây dựng đường ống khí đốt Power of Siberia 2.

Theo đài truyền hình CCTV, phát biểu sau cuộc  gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Bắc Kinh hôm 18/10, Chủ tịch Tập Cận Bình nói rằng Trung Quốc kỳ vọng dự án xây dựng tuyến đường vận chuyển khí đốt mới từ Nga sang Trung Quốc qua lãnh thổ Mông Cổ sẽ sớm được khởi công.

Dự án Power of Siberia 2, sẽ vận chuyển khí đốt tự nhiên từ bán đảo Yamal của Nga - khu vực sản xuất khí đốt vốn dành để cung cấp cho thị trường EU trước khi bùng phát chiến sự tại Ukraine.

Dự án xây dựng đường ống mới này được xem là cột mốc mới nhất trong nỗ lực của Nga nhằm chuyển hướng xuất khẩu năng lượng khỏi châu Âu.

Nga lên kế hoạch tăng nguồn cung khí đốt cho Trung Quốc lên mức 50 tỷ mét khối mỗi năm qua đường ống Power of Siberia 2. Trong khi đó, đường ống Power of Siberia hiện tại sẽ vận chuyển khoảng 38 tỷ mét khối  vào năm 2025.

Nga đã đẩy mạnh xuất khẩu năng lượng sang Trung Quốc, nước tiêu thụ dầu lớn thứ hai thế giới, ngay sau khi EU áp đặt lệnh cấm vận nhằm vào dầu mỏ của Moscow.

Theo CEO của tập đoàn Rosneft Igor Sechin, trong 8 tháng đầu năm nay, Nga đã cung cấp hơn 75 triệu tấn dầu cho Trung Quốc, tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Sechin lưu ý thêm, Nga đã vượt Ả Rập Saudi trở thành nhà cung cấp dầu mỏ lớn nhất cho Trung Quốc.

Phó Thủ tướng Alexander Novak trước đó cho biết, xuất khẩu dầu mỏ của Nga sang Trung Quốc trong năm 2022 đạt 89 triệu tấn, tăng 28% so với năm 2021.

Trong khi đó, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho hay, EU đã mua 155 tỷ mét khối khí đốt Nga trong năm 2021, tương đương 45% tổng lượng khí đốt nhập khẩu của khối và đáp ứng cho khoảng 40% lượng tiêu thụ khí đốt của khối.

Theo dữ liệu từ Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu (ECFR), trong năm 2022, nguồn cung khí đốt Nga sang EU qua đường ống giảm gần 50%, xuống còn khoảng 80 tỷ mét khối.