Sáng 29/6, Tổng cục Thống kê tổ chức họp báo công bố số liệu kinh tế - xã hội Việt Nam quý II và 6 tháng đầu năm. Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cho biết, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II ước tính tăng 6,61% so với cùng kỳ năm trước. GDP 6 tháng đầu năm 2021 tăng 5,64%, cao hơn tốc độ tăng 1,82% của 6 tháng đầu năm 2020 nhưng thấp hơn kết quả 7,05% và 6,77% của cùng kỳ năm 2018 và 2019.
Tốc độ tăng GDP quý 2 và 6 tháng đầu năm qua các năm |
Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế 6 tháng đầu năm, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,82% so với cùng kỳ năm trước (đóng góp 8,17% vào mức tăng chung); khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,36% (đóng góp 59,05%), trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế với mức tăng 11,42%; khu vực dịch vụ tăng 3,96% (đóng góp 32,78%), trong đó các ngành dịch vụ thị trường như: Bán buôn và bán lẻ tăng 5,63%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 9,27%.
Về cơ cấu nền kinh tế 6 tháng đầu năm 2021, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 12,15%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 37,61%; khu vực dịch vụ chiếm 41,13%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 9,11% (cơ cấu tương ứng của cùng kỳ năm 2020 là: 14,16%; 33,51%; 41,99%; 10,34%).
“Dịch Covid-19 bùng phát tại một số địa phương trên cả nước từ cuối tháng 4 với những diễn biến phức tạp, khó lường đã đặt ra nhiều thách thức, rủi ro cho nước ta trong việc thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế” - bà Nguyễn Thị Hương nói.
Hoạt động thương mại, vận tải, du lịch nhìn chung vẫn bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19. Trong 6 tháng đầu năm, vận tải hành khách đạt 1.813,5 triệu lượt khách vận chuyển, giảm 0,7% so với cùng kỳ năm trước. Khách quốc tế đến nước ta ước tính đạt 88,2 nghìn lượt người, giảm 97,6% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy vậy, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội 6 tháng đầu năm 2021 theo giá hiện hành ước đạt 1.169,7 nghìn tỷ đồng, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn nhiều mức tăng 3% của năm 2020. “Mức tăng này phản ánh kết quả của các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với cộng đồng doanh nghiệp, cũng như xu thế đón đầu dòng vốn FDI đang chuyển dịch vào Việt Nam trong bối cảnh đại dịch Covid-19 được kiểm soát”- Tổng cục Thống kê đánh giá.
Tổng cục Thống kê thông tin thêm, cả nước có 11.300 doanh nghiệp được thành lập mới trong tháng 6 với số vốn đăng ký 164.300 tỷ đồng, giảm 2,5% về số doanh nghiệp nhưng tăng 9,1% về vốn đăng ký.
Tính chung 6 tháng, có 67.100 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 942.600 tỷ đồng, vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 14,1 tỷ đồng.
Từ đầu năm, cả nước có thêm 26.100 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động; 35.600 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn; 24.700 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể; 9.900 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể. Trung bình mỗi tháng có 11.700 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 tăng 0,19% so với tháng trước và tăng 1,62% so với tháng 12/2019. Mức tăng chủ yếu do giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào tăng theo giá thế giới; giá điện, nước sinh hoạt tăng theo nhu cầu tiêu dùng. Lạm phát cơ bản tháng 6 tăng 0,07% so với tháng trước và tăng 1,14% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 6 tháng đầu năm 2021 tăng 0,87% so với bình quân cùng kỳ năm 2020. |