Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

GDP Trung Quốc 2015: Không đáng lo, chưa đáng mừng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tốc độ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm 2015 ở mức chậm nhất trong 1/4 thế kỷ qua, theo kết quả vừa công bố ngày 19/1. Đây là điều đáng lo hay đáng mừng?

Theo số liệu, GDP của Trung Quốc đạt 6,9% trong năm 2015, đây là mức tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 1990 và không đạt mục tiêu 7% do chính quyền Bắc Kinh đề ra.

Không bất ngờ

Trước thông tin trên, chỉ số MSCI châu Á Thái Bình Dương đã tăng 0,8% sau khi chạm mốc thấp nhất trong 4 năm trước đó. Các chỉ số chứng khoán chính của Hàn Quốc và Malaysia lần lượt tăng 0,3% và 0,2%, trong khi các thị trường cổ phiếu Singapore và Nhật Bản không quá biến động.
Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong năm 2016 có thể giảm xuống 6,5%.
Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong năm 2016 có thể giảm xuống còn 6,5%.
Những diễn biến này cho thấy, thị trường đã thận trọng và bớt kỳ vọng sau rất nhiều cú sốc nền kinh tế lớn thứ hai thế giới từng mang đến. Con số tăng trưởng GDP 6,9% trùng với kết quả khảo sát trước đó của trang CNNMoney và hãng tin Reuters.
Quan ngại về sức khỏe kinh tế Trung Quốc là yếu tố chủ chút chi phối kinh tế toàn cầu trong của năm ngoái, từng làm khuấy đảo các thị trường toàn cầu mỗi khi dữ liệu mới xuất hiện. Trong năm 2015, với 6 lần Ngân hàng T.Ư Trung Quốc (PBoC) hạ lãi suất, ít nhất 3 lần liên tiếp hạ giá đồng Nhân dân tệ và một trận “cuồng phong” quét sạch khoảng 5 ngàn tỷ USD trên thị trường chứng khoán, số liệu tăng trưởng GDP 2015 tới trong thời điểm các thị trường đã quen thuộc với những cú sốc từ Bắc Kinh. Do đó, thay vì lo lắng, phản ứng của các nhà đầu tư đã bình ổn hơn. Điều họ quan tâm và kỳ vọng hiện nay là những biện pháp hỗ trợ tăng trưởng sắp tới của chính quyền Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Sự suy giảm cần thiết

Một số chuyên gia dự đoán, kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục giảm tốc trong năm 2016, xuống còn khoảng 6,5%, thậm chí khi đã có thêm các gói kích thích và đợt cắt giảm lãi suất mới.

Sau hơn một thập kỷ tăng trưởng liên tiếp, Trung Quốc đã thay thế Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Kết thúc chu kỳ tăng tốc nhanh chóng, giờ quốc gia này đã bước sang giai đoạn chuyển đổi từ phụ thuộc sản xuất và đầu tư sang tập trung phát triển dịch vụ và tiêu dùng, thời điểm mà tăng trưởng thấp là điều khó tránh khỏi.

Đi kèm với công bố về số liệu GDP 2015 ngày 19/1, đại diện cơ quan thống kê Trung Quốc khẳng định, nước này đang trải qua “giai đoạn cần thiết phải đối mặt những thách thức và nhiệm vụ cải cách toàn diện sâu rộng còn nặng nề”.

Hiện chưa có dấu hiệu cho thấy kinh tế Trung Quốc có thể “hạ cánh cứng” như nỗi lo của nhiều nhà đầu tư. Điều đáng quan ngại duy nhất là nguy cơ tốc độ tăng trưởng thực tế của Bắc Kinh có thể thấp hơn nhiều so với con số thống kê chính thức đưa ra, bởi Trung Quốc vốn có “tiền sử” gian lận số liệu kinh tế và thiếu minh bạch. Nếu là sự thật, đó sẽ là một “thảm họa” đối với nền kinh tế toàn cầu vốn đang trong trạng thái mong manh.