Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ghép thận tự thân cứu sống bé trai 1 tuổi bị cao huyết áp, suy tim

Hà Linh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 5/7, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, các bác sĩ của bệnh viện đã thực hiện thành công ca ghép thận tự than cho bé M.K (12 tháng tuổi, ở Nghệ An) bị cao huyết áp, suy tim do hẹp động mạch thận phải.

Đây là trường hợp thứ 2 Bệnh viện Nhi Trung ương thực hiện ghép thận tự thân thành công, mở ra cơ hội điều trị bảo tồn thận cho các bệnh nhi bị bệnh lý mạch máu gây hẹp động mạch thận thay vì phải cắt thận.

Mẹ bệnh nhi cho biết, M.K. cân nặng lúc sinh 3kg, nhưng từ khi bé 5 tháng tuổi cho đến nay đã 12 tháng tuổi mà chỉ nặng 6.5kg. Ngoài triệu chứng không tăng cân bé không có biểu hiện gì bất thường nên gia đình không đưa đi khám. Trước khi nhập viện, M.K. xuất hiện ho, khò khè kèm sốt từng cơn, được gia đình đưa vào bệnh viện tuyến cơ sở điều trị. Tuy nhiên, tình trạng trẻ diễn biến nhanh, khó thở tăng dần và được đặt ống nội khí quản, chuyển tuyến tỉnh điều trị.

Các bác sĩ ghép thận tự thân cứu sống bé trai 1 tuổi bị cao huyết áp, suy tim.
Các bác sĩ ghép thận tự thân cứu sống bé trai 1 tuổi bị cao huyết áp, suy tim.

Tại đây, trẻ được chẩn đoán viêm phế quản phổi, suy tim, theo dõi bệnh cơ tim giãn. Sau 15 ngày thở máy trẻ được cai máy thở, sau đó thở oxy, điều trị kháng sinh, thuốc vận mạch, thuốc hạ áp phổi nhưng tình trạng của trẻ tiến triển chậm và trẻ được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương.

Ngày 10/4/2023, bé M.K. nhập viện Khoa Nội Tim mạch, Trung tâm Tim mạch – Bệnh viện Nhi Trung ương.Thời điểm nhập viện trẻ tự thở, da môi kém hồng, được các bác sĩ tiến hành kiểm tra nguyên nhân cao huyết áp, suy tim. Kết quả siêu âm tim thấy thành tâm thất dày, chụp MSCT (chụp cắt lớp vi tính) phát hiện hẹp động mạch thận phải bẩm sinh.

TS Nguyễn Thu Hương – Trưởng khoa Thận và Lọc máu, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, bình thường, thận cần được cung cấp đủ máu để đảm bảo chức năng lọc bỏ các chất thải, chất lỏng dư thừa và điều hòa huyết áp. Khi các động mạch thận bị hẹp sẽ dẫn đến tình trạng thiếu hụt lượng máu giàu oxy tới thận.

Lưu lượng máu tới thận giảm làm tăng huyết áp trên toàn bộ cơ thể và gây tổn thương nhu mô thận. “Nếu không được điều trị kịp thời, thận phải của bé M.K sẽ có nguy cơ hỏng hoàn toàn.

Chiều 21/4/2023, sau hơn 10 ngày điều trị tại Khoa Nội tim mạch, nhận thấy trẻ toàn trạng ổn định, các bác sĩ đã tiến hành hội chẩn giữa các chuyên khoa: Ngoại tiết niệu, Ngoại tim mạch, Thận và Lọc máu, chẩn đoán hình ảnh…, dưới sự chủ trì của TS Cao Việt Tùng – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương. Sau khi hội chẩn các bác sĩ quyết định ghép thận tự thân để bảo tồn thận phải cho bệnh nhi.

Bác sĩ thăm khám cho bé M.K trước khi ra viện
Bác sĩ thăm khám cho bé M.K trước khi ra viện

Ca phẫu thuật diễn ra vào ngày 4/5/2023, kéo dài 180 phút. 3 kíp mổ được huy động gồm: kíp mổ lấy thận, kíp rửa thận và kíp ghép thận. Sau khi phẫu thuật đưa thận phải ra ngoài, các bác sĩ rửa thận và tạo hình động mạch thận bằng tĩnh mạch chậu ngoài làm rộng động mạch thận phải.

Cái khó nhất ở cuộc phẫu thuật này là phải tạo hình làm rộng động mạch thận do hẹp hoàn toàn (đường kính động mạch thận phải xấp xỉ 1,5mm) – TS Nguyễn Lý Thịnh Trường - Giám đốc Trung tâm tim mạch, Bệnh viện Nhi Trung ương người trực tiếp tạo hình động mạch thận cho biết.

Ca ghép thận tự thân đã được thực hiện thành công, thận ghép sau khi nối mạch máu đã tạo hình được cấp máu đủ. Sau phẫu thuật, bệnh nhi được chăm sóc đặc biệt trong phòng vô khuẩn tại Khoa Điều trị tích cực Ngoại để kiểm soát các yếu tố nguy cơ như: chảy máu, nhiễm trùng sau ghép thận…Sau mổ sức khoẻ bé M.K. ổn định, tự thở, tỉnh táo, huyết áp trở về bình thường và mọi chỉ số đều rất tốt, trẻ đã được xuất viện sau 10 ngày.