Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ghi dấu một phong cách văn chương trong báo chí

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cuốn sách "Hà Nội - cuộc kiến tạo mang hưng khí thời đại" của nhà báo Hồ Quang Lợi - Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội là một sản phẩm quý, đặc biệt có ý nghĩa trong những ngày người Hà Nội đang xốn xang chào đón kỷ niệm 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.

Cuốn sách "Hà Nội - cuộc kiến tạo mang hưng khí thời đại" của nhà báo Hồ Quang Lợi - Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội là một sản phẩm quý, đặc biệt có ý nghĩa trong những ngày người Hà Nội đang xốn xang chào đón kỷ niệm 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. Vì thế mà buổi ra mắt sách chiều 30/9 tại Thư viện Hà Nội thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới truyền thông, báo chí.

Cuộc chuyển hướng bất ngờ

"Hà Nội - cuộc kiến tạo mang hưng khí thời đại" ra mắt trong sự ngạc nhiên đầy thú vị của cả giới văn chương lẫn giới làm báo. Như nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam chia sẻ: "Tôi bất ngờ vì Hồ Quang Lợi đã chuyển từ sở trường bình luận quân sự sang các mặt của đời sống xã hội một cách sắc sảo và tinh tế".

Ghi dấu một phong cách văn chương trong báo chí - Ảnh 1
Là bởi trước nay, giới cầm bút đã quen với giọng điệu bình luận quân sự của cây bút này qua một vài cuốn sách "nặng tay" ông đã cho ra mắt: "Xung chấn kỷ nguyên đột biến" (2011), "Việt Nam trên ngọn sóng thời cuộc" (2014)... Nay "chẳng nói chẳng rằng", Hồ Quang Lợi tung ra cuốn sách "rất Hà Nội" chẳng động chạm gì tới những dự đoán chiến sự thường thấy.

Với ông, việc mở rộng địa giới hành chính Hà Nội là một "Cuộc sát hạch nghiêm khắc" - như tên gọi của phần 1 cuốn sách. Ở đây tập hợp các bài viết xung quanh "Dấu ấn năm mở rộng" về quy hoạch, kiến trúc, xây dựng của một "Hà Nội trên tầm cao mới" được nhìn nhận từ góc độ văn hóa để tất cả "Vững tin đi tới". Phần 2 có tựa đề "Trên bệ phóng nghìn năm" lấy dấu mốc năm Đại lễ mừng Thủ đô tròn ngàn tuổi làm điểm tựa. Lại có thêm nguồn sáng từ thẳm sâu lịch sử soi rọi nên "Tầm vóc Hà Nội - Vị thế Việt Nam", khiến người ta có thể tin tưởng một ngày không xa, Thủ đô sẽ hiện hữu với các tiêu chí: Xanh - Văn hiến - Văn minh - Hiện đại. Vậy nhưng, tác giả lại dành trọn vẹn tình cảm cho phần 3 "Dòng văn hiến bất tận" - nơi tích tụ những dịu dàng sâu lắng của một tâm tình đa cảm đầy trách nhiệm. Qua sự trải lòng của ông, người đọc thấy mình phải có trách nhiệm cùng "Bồi đắp tâm hồn, cốt cách người Hà Nội" để "Văn hóa nâng cánh cho Thủ đô phát triển".

Không phải ngẫu nhiên Hồ Quang Lợi đặt tiêu đề bao quát cho tập sách là "Hà Nội - cuộc kiến tạo mang hưng khí thời đại". Ông chia sẻ, nếu dùng từ "hùng khí" vẫn đúng, song không ra khỏi nếp tư duy ước lệ và giản đơn mà mọi người vẫn quen dùng. "Hưng khí" mới thực sự là từ sắc nét, có nội hàm phong phú hơn hẳn về thời vận đang đi lên của Hà Nội mà ông muốn nhấn mạnh, để từ đó nhắn mọi người nắm bắt lấy thời cơ, đồng tâm nhất trí biến cơ hội thành hiện thực.

"Giải mã" văn phong

Dù đã quen với câu chữ mượt mà, giàu hình ảnh của cây bút chuyên bình luận này, song khi “chạm” vào cuốn sách mới, ai cũng trầm trồ về một phong cách văn chương trong báo chí. Đầy cảm tình, Giáo sư Vũ Khiêu bày tỏ: “Có cảm giác đây là người làm văn, làm thơ chứ không phải chỉ là người làm báo. Lời văn chọn lọc, sáng sủa, nhiều khi hùng mạnh, khẳng định lịch sử là một dòng sông và cơ hội là một thời khắc ngắn trên dòng sông ấy”.

Có lẽ, nhà thơ Hữu Thỉnh đã rất hiểu cây bút một thời là "cấp dưới" của mình nên đã đưa ra những lý giải chân thực cho văn phong Hồ Quang Lợi. Theo ông, một người yêu văn chương, nhưng viết báo lại có sức thuyết phục lớn như vậy, bởi tác giả đã được đào tạo bài bản. Ở cuốn sách hiện hữu rõ nét một nhà báo kết hợp với nhà văn để nhìn về Hà Nội bằng một tình yêu, một trách nhiệm của người đã gắn bó và như "mắc nợ" mảnh đất này. "Vô cảm - cái chết từ trong tâm hồn" là một trong những bài tôi rất thích. Căn bệnh ấy trong nghề y không có, nhưng đang hiện hữu trong đời sống đô thị. Ấy là lời cảnh báo về sự xuống cấp về đạo đức lối sống" - nhà thơ Hữu Thỉnh chia sẻ.

Hồ Quang Lợi không sinh ra ở Hà Nội nhưng hơn một lần ông khẳng định: “Từ khi nào Hà Nội đã tác tạo tâm hồn tôi, và tôi thuộc về đất này bằng tình yêu máu thịt”. Không gì hơn, đây chính là mạch nguồn cho những tác phẩm sắc sảo và tinh tế về Thủ đô ra đời và đi vào lòng công chúng.
Văn hóa là cái còn lại, sau khi tất cả đã qua đi”, tôi muốn bắt chước cách nói ấy để khẳng định điều quý giá mà cuốn sách của tác giả Hồ Quang Lợi đã làm được đối với tâm thức hôm nay của mỗi chúng ta. Đó là lời nhắc nhở tâm huyết: Hà Nội chính là cái còn lại sau cùng, là điều khắc khoải duy nhất mãi mãi còn thôi thúc chúng ta sống và hành động.

Nhà thơ Bằng Việt Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội