Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Ghi nhận một quá trình bảo tồn vốn cổ

Chia sẻ Zalo

KTĐT - 10 huy chương vàng và 17 huy chương bạc đã được trao cho các nghệ sỹ xuất sắc khi tấm màn nhung của Liên hoan dân ca kịch Bài Chòi toàn quốc khép lại.

KTĐT - 10 huy chương vàng và 17 huy chương bạc đã được trao cho các nghệ sỹ xuất sắc khi tấm màn nhung của Liên hoan dân ca kịch Bài Chòi toàn quốc khép lại.

Nhưng, giải thưởng chỉ là một phần của cuộc liên hoan này, điều quan trọng hơn là loại hình nghệ thuật cổ độc đáo đã được ghi nhận và tôn vinh cùng với những kết quả của cả một quá trình dày công tìm tòi và bảo tồn vốn cổ.


Ởliên hoan lần đầu tiên này có 3 đơn vị dân ca kịch Bài Chòi chuyên nghiệp trong toàn quốc tham dự. Ây là Đoàn dân ca kịch Quảng Nam, Đoàn dân ca kịch Bình Định và Nhà hát nghệ thuật truyền thống Khánh Hòa. Liên tục trong 4 ngày (từ 5 đến 8/4/2011), các nghệ sỹ đã đưa lên sân khấu 6 vở diễn độc đáo của mình, mỗi đơn vị 2 vở: Một vở dân ca kịch Bài Chòi truyền thống và một vở có đề tài lịch sử, huyền sử, dân gian hoặc hiện đại. Không chỉ có vậy, các diễn viên còn tham gia Hội đánh Bài Chòi cổ và xem các nghệ nhân tỉnh Bình Định biểu diễn các trích đoạn Bài chòi cổ đặc sắc. Không khí của sự say mê, sự tâm huyết hiện diện đủ đầy cùng với niềm vui trước những thành quả bước đầu của việc bảo tồn nghệ thuật hát Bài Chòi, chứ không còn lẻ tẻ và lặng lẽ như thuở ban đầu hát Bài Chòi trở lại cuộc sống.


Các vở diễn tham dự liên hoan là những tác phẩm chưa tham gia bất kỳ hội diễn, liên hoan sân khấu chuyên nghiệp do Bộ VHTT&DL tổ chức từ năm 2010 trở về trước. Theo đánh giá của Ban tổ chức, với những đề tài khác nhau, dù truyền thống hay hiện đại, nhưng các đoàn đều thể hiện được việc bảo tồn và phát triển nghệ thuật Bài chòi trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay. Hầu hết các vở diễn đều giữ được đặc trưng, vẻ đẹp của bộ môn nghệ thuật đặc sắc, môn nghệ thuật đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân miền Trung từ hàng trăm năm qua. Các đoàn đều có dàn diễn viên trẻ trung, yêu nghề, có khả năng kế tục sự nghiệp của lớp đàn anh đi trước trong việcbảo tồn và phát huy các giá trị của nghệ thuật Bài Chòi. Ở liên hoan này, cũng là một nét mới đối với các liên hoan sân khấu chuyên nghiệp, là Ban tổ chức không chấm giải và trao thưởng cho các vở diễn, mà chỉ chấm và trao thưởng huy chương vàng, huy chương bạc cho các diễn viên nhằm tôn vinh những nghệ sĩ tài năng của nghệ thuật hát Bài chòi. Xem ra, liên hoan đích thực là một sân khấu để các đoàn Dân ca kịch Bài Chòi chuyên nghiệp giới thiệu, quảng bá tác phẩm, kết quả bảo tồn phát huy các giá trị nghệ thuật bài chòi trong những năm qua. Đồng thời, là dịp để tôn vinh những nghệ sỹ, diễn viên có tâm huyết với nghệ thuật bài chòi truyền thống. Cũng là dịp để các nghệ sĩ giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm về phương pháp bảo tồn và sáng tạo các giá trị của nghệ thuật Bài Chòi, qua đó tìm hướng đi thích hợp cho nghệ thuật Bài Chòi trong thời kỳ hội nhập.


Liên hoan sân khấu dân ca kịch Bài Chòi chuyên nghiệp toàn quốc 2011 là hoạt động văn hoá nghệ thuật nằm trong chương trình Năm Du lịch quốc gia Duyên hải Nam Trung bộ - Phú Yên nhằm quảng bá các di sản văn hoá và tiềm năng du lịch của các tỉnh Nam Trung bộ đến du khách trong năm 2011 và những năm tiếp theo. Song, dường như liên hoan đã thành một điểm nhấn đầy dấu ấn đối với các nghệ sỹ hát Bài Chòi và những người quan tâm đến bộ môn nghệ thuật cổ này. Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Tiến Thọ hy vọng: Liên hoan là dịp để các nghệ sĩ tiếp tục sáng tạo, cống hiến nhằm bảo tồn và phát triển loại hình nghệ thuật Bài Chòi, giúp cho loại hình nghệ thuật này có sức sống trường tồn.