Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá bất động sản khó giảm sâu sau khi hết dịch

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù được đánh giá đây là thời điểm thị trường BĐS gặp nhiều khó khăn do những “tàn dư” từ năm 2019 và ảnh hưởng trực tiếp từ đại dịch Covid-19 từ đầu năm đến nay. Các chuyên gia cho rằng, đây là thời điểm các DN đang chuẩn bị sản phẩm để “bung” hàng khi hết dịch, nhưng cũng khó xảy ra việc giá sản phẩm bị giảm sâu.

Người mua nhà hủy hợp đồng
Số liệu thống kê từ Hội môi giới BĐS Việt Nam, từ đầu năm 2020 đến nay nguồn cung mới sản phẩm trên thị trường tiếp tục giảm mạnh, lượng cung mới căn hộ chung cư và nhà ở thấp tầng trong quý đạt trên 18.600 sản phẩm. Tuy nhiên, tổng lượng hàng được đưa ra thị trường trong quý là trên 53.200 sản phẩm, trong khi đó tổng số lượng sản phẩm trong năm 2019 là gần 107.300 sản phẩm.
Nguồn cung sản phẩm tiếp tục giảm, trong khi hàng tồn kho lớn. (Ảnh: Doãn Thành).
Nếu tính về số lượng thì tổng sản phẩm trong quý I/2020 đã chiếm tới 49,5% tổng sản phẩm của năm 2019. Nhưng điều đáng nói là trong số 53.200 sản phẩm được đưa ra thị trường trong quý I, thì có tới 34.600 sản phẩm là hàng tồn kho từ năm 2019, chiếm tới 65% tổng sản phẩm được đưa ra thị trường trong quý I/2020. Số lượng giao dịch chỉ bằng 19,6% so với cùng kỳ năm 2019.
Một số liệu khác từ Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh (HoREA), trong quý I/2020 và nửa đầu tháng 4, thị trường BĐS gần như “đóng băng”. Chỉ tính riêng tại TP Hồ Chí Minh giao dịch mua bán nhà sụt giảm khoảng 70%; doanh thu sụt giảm trên dưới 80% dẫn đến tình trạng thiếu hụt tiền mặt và thanh khoản. Số lượng người mua nhà xin thanh lý hợp đồng ghi nhận ở mức tương đối cao.
“Tỷ lệ người mua nhà gặp khó khăn tài chính, do bị giảm thu nhập, không trả được lãi vay ngân hàng, nên phải xin thanh lý hợp đồng mua nhà chiếm trên dưới 10%, càng tạo thêm áp lực lớn đối với các doanh nghiệp BĐS, nhất là trong lúc các doanh nghiệp vẫn phải duy trì lực lượng lao động” - Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu cho hay.
Thị trường tiếp tục “ngủ đông”?
Trước những diễn biến khó lường của đại dịch Covid-19, Phó Chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam Nguyễn Văn Đính cho biết, trong quý II/2020 dự báo thị trường sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn, có thể vẫn diễn ra trạng thái “ngủ đông”.
“Đến thời điểm hiện tại thị trường chưa ghi nhận DN nào giảm giá bán sản phẩm, nhưng dự báo trong thời gian tới các DN buộc phải cắt lỗ để đẩy mạnh việc bán hàng, thu hồi vốn” - ông Đính nhận định.
Ở khía cạnh khác, chuyên gia Trần Quốc Việt (Hiệp hội BĐS Việt Nam) thì cho rằng, mặc dù đây là thời điểm các DN BĐS gặp nhiều khó khăn, số lượng giao dịch giảm, hàng tồn kho từ năm 2019 tương đối lớn, nhưng nếu người đầu tư kỳ vọng vào một đợt giảm giá sâu của các DN sau khi kết thúc đại dịch Covid-19 là rất khó.
Khó có thể kỳ vọng giá BĐS giảm sâu sau dịch Covid-19. (Doãn Thành).
Theo lý giải của ông Việt, dịch bệnh xảy ra mặc dù đã làm cho nền kinh tế suy giảm, nhưng nó chỉ là những vấn đề trong thời gian ngắn. Còn về tầm nhìn dài hạn, nhu cầu về nhà ở trên thị trường đang rất lớn, trong khi đó nguồn cung không đủ, việc thị trường thiếu nguồn cung đã xảy ra từ năm 2019 khi Chính phủ thực hiện nhiều chính sách liên quan đến thủ tục cấp phép, siết chặt tài chính - tín dụng; còn vấn đề về Covid-19 nó xảy đến là một yếu tố khách quan.
“Thị trường BĐS vốn phát triển theo chu kỳ, giai đoạn vừa qua khi thị trường lên cao thì đến nay rơi vào thoái trào là việc đương nhiên. Nhưng riêng với lĩnh vực BĐS, cho dù có rơi vào khủng hoảng nhưng tự nó sẽ phục hồi trở lại khi tăng trưởng kinh tế ổn định. Trong thời gian tới nhà đầu tư lướt sóng khó có thể kỳ vọng giá BĐS sẽ giảm sâu, vì thực tế nhu cầu trên thị trường vẫn còn rất lớn” - ông Việt nhìn nhận.

Hầu hết các DN, Tập đoàn lớn đều có tham gia đầu tư, kinh doanh vào lĩnh vực BĐS, vì đây là lĩnh vực hấp dẫn và có tiềm năng dài hạn. Khi những khó khăn qua đi, BĐS lại tiếp tục trở về với giá trị vốn có, đó là khả năng sinh lời cao, sẽ có thêm nhiều người giàu vì nhờ BĐS.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan