Giá cà phê hôm nay 17/11: Dứt đà tăng trong bối cảnh nguồn cung toàn cầu bị thắt chặt

Văn Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá cà phê hôm nay 17/11 trong khoảng 39.900 - 40.800 đồng/kg. Sau vài phiên tăng mạnh, giá Arabica đã giảm nhẹ. Dự kiến xu hướng tăng ở New York vẫn còn, do lo ngại nguồn cung toàn cầu bị thắt chặt đã thúc đẩy các quỹ tăng mua.

Giá cà phê hôm nay 17/11: Dứt đà tăng trong bối cảnh nguồn cung toàn cầu bị thắt chặt
Tại huyện Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lộc (Lâm Đồng) giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 39.900 đồng/kg.

Tại huyện Cư M'gar (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay ở mức 40.800 đồng/kg. Tại huyện Ea H'leo (Đắk Lắk), Buôn Hồ (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay được thu mua cùng mức 40.700 đồng/kg.

Tương tự tại tỉnh Đắk Nông, giá cà phê hôm nay thu mua ở mức 40.800 đồng/kg tại Gia Nghĩa và 40.700 đồng/kg ở Đắk R'lấp.

Tại tỉnh Gia Lai, giá cà phê hôm nay ở mức 40.800 đồng/kg (Chư Prông), ở Pleiku và La Grai cùng giá 40.700 đồng/kg. Còn giá cà phê hôm nay tại tỉnh Kon Tum được thu mua với mức 40.700 đồng/kg. Sáng nay, giá cà phê tại các vùng trồng trọng điểm giảm trung bình 300 đồng/kg so với cùng thời điểm sáng hôm qua.

Kết thúc phiên giao dịch gần nhất, giá cà phê Robusta tại London giao tháng 1/2022 giảm 27 USD/tấn ở mức 2.237 USD/tấn, giao tháng 3/2022 giảm 20 USD/tấn ở mức 2.189 USD/tấn. Trong khi đó trên sàn New York, giá cà phê Arabica giao tháng 12/2021 giảm 0,7 cent/lb ở mức 222,05 cent/lb, giao tháng 3/2022 giảm 0,5 cent/lb ở mức 224,5 cent/lb.

Sau vài phiên tăng mạnh, giá Arabica đã giảm nhẹ. Dự kiến xu hướng tăng ở New York vẫn còn, do lo ngại nguồn cung toàn cầu bị thắt chặt đã thúc đẩy các quỹ tăng mua. Trong khi đó, báo cáo của Cecafé cho thấy thị trường Brazil có thể chậm giao khoảng 5 triệu bao cà phê đã hợp đồng bán trước cuối năm nay, do giá kỳ hạn lẫn giá nội địa tăng cao khiến nhà nông không muốn giao hàng. Brazil chỉ có thể xuất khẩu 21 triệu bao cà phê trong niên vụ 2021/2022, giảm tới 55% so với niên vụ trước đó, do nguồn cung cạn kiệt.

Trong khi đó, giá cà phê Robusta trên sàn London tiếp tục chỉnh giảm, sau khi thiết lập mức cao mới 10 năm nhằm hỗ trợ phần nào cho chi phí logistics đang ở mức quá cao.

Theo các doanh nghiệp Việt Nam, giá cà phê trên sàn London tăng cao, nhưng người trồng cà phê trong nước chưa được hưởng lợi gì vì nguồn hàng vụ cũ không còn nằm trong tay họ, trong khi vụ mới vừa khởi đầu thu hoạch trong bối cảnh thiếu hụt lượng nhân công tăng cường hàng năm khiến chi phí tiền lương tăng cao.

Với hơn 131.000 ha, cà phê là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh Đắk Nông. Năm 2020, sản lượng cà phê của tỉnh đạt 306.700 tấn. Dự kiến năm 2021, sản lượng ước đạt khoảng 332.000 tấn.

Theo ông Phạm Văn Dũng, thôn 2, xã Trường Xuân (Đắk Song) chia sẻ với báo Đắk Nông, gia đình có 2,7 ha cà phê đang thu hoạch. Năm ngoái, khi thu hoạch cà phê, gia đình ông khoán công với mức giá 1.100 đồng/kg cà phê tươi. Còn năm nay, công hái đã tăng lên thành 1.400 đồng/kg quả tươi.

Lý giải điều này, ông Dũng cho rằng, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nên người lao động ở các vùng như Nam Trung Bộ, miền Tây, miền Bắc... hạn chế di chuyển, nên khan hiếm lao động. Cùng với đó, giá xăng dầu tăng kỷ lục trong vòng 7 năm qua đã kéo theo nhiều loại mặt hàng tăng giá. Vì thế, giá thị trường lao động tăng là điều hiển nhiên.

Anh Đàm Xuân Thanh, thôn 9 B, xã Đắk Lao (Đắk Mil) cho biết, gia đình hiện có trên 4 ha cà phê, năm nay năng suất đạt mức khá cao, khoảng 3 tấn cà phê nhân/ha.

Cà phê được mùa, giá tăng, nên anh cũng sẵn sàng trả công thu hái cao hơn năm ngoái. Cụ thể, năm ngoái anh trả công 220.000 đồng/ngày không bao ăn, uống. Còn năm nay, anh trả công 250.000 đồng/ngày, bao thêm bữa ăn trưa, nước uống. Mặc dù vậy việc tìm được công hái cũng gặp nhiều khó khăn.

Theo bà Nguyễn Thị Tình, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT, vụ mùa này, tỉnh cần khoảng 13 triệu ngày công lao động thu hái cà phê. Tuy nhiên, lực lượng lao động tại chỗ chỉ đáp ứng được khoảng 50%, nên tình trạng khan hiếm nhân công xảy ra, nhất là thời điểm đầu vụ như hiện nay.

Dù thiếu nhân công, nhưng ngành Nông nghiệp đã vận động bà con không thu hái cà phê ồ ạt, quả xanh nhiều, làm giảm chất lượng sản phẩm. Các yếu tố về bảo quản, sơ chế phải được quan tâm để nâng cao giá trị hạt cà phê.

Chính quyền cơ sở cũng vận động thành lập các tổ, nhóm đổi công hái cà phê cho người dân. Các lực lượng thanh niên, xung kích đã được huy động để giúp dân thu hoạch cà phê, giảm bớt áp lực thiếu nhân công.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần