Giá “vàng đen” tiếp tục tăng mạnh lên mức đóng cửa cao nhất trong 2 tháng khi chốt phiên ngày 21/11, khi thị trường nhận được hỗ trợ từ báo cáo cho hay rằng Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cùng với các đồng minh có khả năng sẽ gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng cũng như thông tin tích cực mới quanh vấn đề đàm phán thương mại Mỹ - Trung.
Nhiều khả năng OPEC và các đồng minh, dẫn đầu là Nga sẽ duy trì thỏa thuận hạn chế sản lượng tới giữa năm 2020. Ngoài ra, dấu hiệu cho thấy Trung Quốc mời giới chức Mỹ sang Bắc Kinh đàm phán thương mại cũng hỗ trợ cho giá dầu trong phiên này.
Chốt phiên ngày 21/11, giá dầu Brent tăng 1,57 USD/thùng, tương đương tăng 2,5%, đạt 63,97 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ cũng nhích 2,8%, chốt ở mức 58,58 USD/thùng.
Theo dữ liệu của Dow Jones, đây là mức chốt phiên cao nhất của dầu WTI kể từ ngày 23/9. Trước phiên này, giá dầu đã tăng khoảng 3% trong phiên ngày 20/11. Trong phiên này, giá dầu Brent cũng chạm mức đỉnh kể từ ngày 24/9 khi thiết lập mức giá 64,03 USD.
Để cân bằng cung cầu nhằm hỗ trợ giá dầu, OPEC và các đồng minh, tức nhóm OPEC+, đã thực hiện thỏa thuận giảm sản lượng khai thác 1,2 triệu thùng/ngày từ đầu năm tới nay. Nguồn tin từ OPEC tiết lộ với hãng tin Reuters rằng thỏa thuận này có thể được gia hạn tới tháng 6 khi OPEC+ nhóm họp ở Vienna, Áo vào đầu tháng 12.
Dự kiến, các thành viên OPEC sẽ họp vào ngày 5/12, tiếp đó nhóm OPEC+ sẽ họp vào ngày 6/12. Nếu không được gia hạn, thỏa thuận hạn chế sản lượng của nhóm này sẽ kết thúc vào cuối tháng 3/2020.
Cũng theo Reuters, OPEC+ có thể sẽ không chính thức đưa ra một tuyên bố giảm sản lượng sâu hơn, nhưng nhiều khả năng sẽ cam kết tuân thủ chặt chẽ hơn mức cắt giảm sản lượng hiện tại.
Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 20/11 tuyên bố nước này và OPEC có "một mục tiêu chung" là giữ cho thị trường dầu lửa cân bằng và có thể đoán định. Tổng thống Putin cũng khẳng định Nga sẽ tiếp tục hợp tác với OPEC trong thỏa thuận hạn chế sản lượng khai thác dầu.
Một thông tin nữa hỗ trợ tích cực cho thị trường năng lượng trong phiên này là Bộ Thương mại Trung Quốc nói nước này sẽ cố gắng đạt thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 với Mỹ và hai bên vẫn duy trì tất cả các kênh liên lạc.
Tuy nhiên, sự bấp bênh trong đàm phán thương mại giữa Washington và Bắc Kinh vẫn đang phủ bóng lên thị trường. Reuters hôm 20/11 dẫn nguồn thạo tin nói thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung giai đoạn 1 có thể bị hoãn sang 2020. Ngoài ra, việc Mỹ thông qua dự luật về Hồng Kông cũng khiến Trung Quốc giận dữ, có thể cản trở tiến trình đàm phán.
Nhà phân tích cấp cao Edward Moya thuộc Oanda nhận định: "Tuyên bố tích cực của Trung Quốc về đàm phán thương mại đang làm dịu đi nỗi lo về khả năng Tổng thống Donald Trump ký dự luật Hồng Kông. Thời gian đạt thỏa thuận giai đoạn 1 là khó xác định, nhưng thị trường vẫn lo ngại liệu đàm phán có một lần nữa đổ vỡ như đã từng xảy ra vào tháng 5 hay không".
Tờ Wall Street Journal hôm 21/11 dẫn nguồn thạo tin nói rằng Chính phủ Trung Quốc đã mời các nhà đàm phán thương mại cấp cao nhất của Mỹ tới dự vòng đàm phán trực tiếp mới ở Bắc Kinh.
Một bài báo của tờ SCMP cho biết Mỹ có thể hoãn kế hoạch áp thuế mới đối với hàng hóa Trung Quốc vào ngày 15/12 cho dù hai bên không đạt thỏa thuận trước mốc thời gian này.
Ngân hàng BNP đã điều chỉnh dự đoán giá dầu sẽ tiếp tục tăng trong năm nay và năm 2020./.