Giá dầu giảm do căng thẳng Mỹ-Trung tiếp tục leo thang

Nguyễn Thu (Theo MarketWatch)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kết thúc phiên giao dịch 23/8, giá dầu đi xuống do nhà đầu tư lo ngại ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc tăng nhiệt khiến nhu cầu cầu suy yếu.

Giá "vàng đen" chấm dứt chuỗi 5 phiên tăng giá liên tục trong ngày 23/8. Giá dầu quay đầu giảm chỉ 1 ngày sau khi tăng mạnh nhất trong 2 tuần nhờ lượng dầu dự trữ của Mỹ bất ngờ sụt giảm.
Cụ thể, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ kỳ hạn tháng 10/2018 giảm 3 xu Mỹ, khoảng gần 0,05% và đóng cửa ở mức 67,83USD/thùng. 
Giá mặt hàng dầu này đã tăng tới 3,1% và đóng cửa ở mức cao nhất tính từ 7/8/2018 trong ngày 22/8, chứng kiến 5 phiên tăng giá liên tiếp, theo số liệu của FactSet.
 Giá dầu đứt mạch tăng 5 phiên liên tiếp trong ngày 23/8. Ảnh: MarketWatch
Trong khi đó, giá dầu Brent kỳ hạn tháng 10/2018 sụt gần 0,1% xuống 74,83USD/thùng. Giá dầu này cũng ghi nhận tăng liên tục 5 phiên liên tiếp.
Trong những phiên gần đây, giá dầu nhận được lực đẩy quan trọng từ thông tin nguồn cung đang được thắt chặt, đặc biệt tại Mỹ. Gần đây, Mỹ đã nổi lên trong vai trò một trong những nhà sản xuất dầu hàng đầu trên thị trường toàn cầu.
Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA) ngày 22/8 công bố dự trữ dầu thô nội địa Mỹ trong tuần kết thúc ngày 17/8 giảm 5,8 triệu thùng. Theo khảo sát của Global Platts, các chuyên gia dự báo mức giảm chỉ vào khoảng 3,4 triệu thùng.
Bên cạnh đó, các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Iran cũng góp phần đẩy giá dầu đi lên.
Các chuyên gia phân tích tại Cowen dự báo sản lượng xuất khẩu dầu của Iran giảm từ 900.000 thùng đến 1,6 triệu thùng. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định sản lượng từ Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) sẽ có thể nâng sản lượng đủ để bù lại lượng thiếu hụt trên.
Lệnh trừng phạt đơn phương của Mỹ chống Iran dự kiến sẽ được khởi động vào ngày 4/11 tới. Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran hồi tháng 5, đồng thời tái áp đặt lệnh trừng phạt đối với Tehran. Đợt trừng phạt đầu tiên đã có hiệu lực trong tháng 7. Đợt thứ hai, nhằm vào xuất khẩu dầu thô của Iran, dự kiến bắt đầu từ đầu tháng 11.
Tuy nhiên, trong phiên này, giá dầu chịu áp lực đi xuống do các nhà đầu tư bị ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung leo thang, lo ngại tăng trưởng toàn cầu và lực cầu dầu giảm.
Ngày 23/8, chính quyền Mỹ chính thức áp thuế 25% với 16 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Ngay sau đó, Bắc Kinh cũng đáp trả tương xứng đối với lượng hàng nhập khẩu từ Mỹ trị giá 16 tỷ USD (bao gồm nhiên liệu, các sản phẩm thép, ô tô và thiết bị y tế). 
Động thái đánh thuế tiếp theo của Mỹ và Trung Quốc đối với hàng hóa của nhau làm dấy lên lo ngại về một cuộc chiến thương mại toàn diện giữa hai bên, không chỉ ảnh hưởng đến tăng trưởng toàn cầu mà còn khiến nhu cầu dầu chững lại.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần