Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá dầu sắp có tuần tăng thứ hai liên tiếp nhờ tin tích cực về vaccine Covid-19

Nguyễn Thu (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thị trường năng lượng đang trên đà ghi nhận tuần leo dốc thứ hai liên tiếp nhờ kỳ vọng vào khả năng sớm có vaccine ngừa Covid-19 ngay trong năm nay.

Giá dầu giảm nhẹ trong phiên ngày 13/11 do lo ngại kinh tế thế giới hồi phục chậm làm nhu cầu nhiên liệu suy yếu giữa bối cảnh số ca nhiễm Covid-19 tiếp tục tăng mạnh. Tuy nhiên, với những phiên đầu tuần tăng giá mạnh, thị trường dầu mỏ đang trên đà có tuần hồi phục thứ hai liên tiếp.
 Giá dầu đang trên đà ghi nhận tuần leo dốc thứ hai liên tiếp.
Cụ thể, giá dầu Brent mất 36 xu Mỹ, tương đương 0,83%, về mức 43,17 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu WTI của Mỹ hạ 48 xu Mỹ, khoảng 1,17% xuống còn 40,64 USD/thùng.
Song, tính chung trong tuần, cả hai mặt hàng dầu này đều có mức tăng khoảng 9%.
Giá dầu dao động cùng chiều với chứng khoán Mỹ, vốn cũng giảm điểm do lo ngại về dịch bệnh Covid-19. Châu Âu đang đối mặt với làn sóng bùng phát dịch Covid-19 thứ hai và phải tái áp đặt các lệnh phong tỏa. Tại Mỹ, số ca nhiễm mới Covid-19 đã vượt 100.000 trường hợp mỗi ngày nhiều ngày gần đây, và hơn chục bang đã tăng gấp đôi số ca nhiễm mới trong 2 tuần qua.
Trong phiên giao dịch này, dữ liệu của chính phủ Mỹ cũng gây thêm áp lực khi tồn kho dầu thô tăng 4,3 triệu thùng trong tuần trước, so với mức dự kiến ​​giảm 913.000 thùng.
Giá “vàng đen” nhảy vọt trong các phiên giao dịch đầu tuần sau khi Pfizer và BioNTech báo cáo vaccine ngừa Covid-19 do họ phát triển đạt hiệu quả 90%, gia tăng hy vọng rằng đại dịch sẽ sớm được kiểm soát.
Tuy nhiên, thị trường dầu mỏ thế giới vẫn rung lắc sau diễn biến tích cực này. Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) nhận định nhu cầu đối với nhiên liệu khó phục hồi mạnh cho đến năm 2021, nếu vaccine Covid-19 thành công.
Tương tự, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) hôm 11/11 đã hạ dự báo về triển vọng nhu cầu khi nói rằng tiêu thụ dầu sẽ phục hồi chậm hơn vào năm 2021 so với dự báo đưa ra trước đó do tình hình dịch Covid-19.
Bộ trưởng Năng lượng Algeria cho biết OPEC và các đồng minh bao gồm Nga, còn gọi là OPEC+, có thể gia hạn cắt giảm sản lượng 7,7 triệu thùng/ngày đến năm 2021, hoặc cắt giảm nhiều hơn nữa nếu cần.
Giới phân tích cho rằng việc OPEC+ kéo dài thời hạn cắt giảm sản lượng có lẽ cũng không đủ để ngăn chặn tình trạng dư cung dầu mỏ, nhất là khi Libya tái gia nhập thị trường.
Harry Tchilinguirian - người đứng đầu bộ phận nghiên cứu hàng hóa tại BNP Paribas, nhận xét: “Giá dầu có thể tiếp tục chịu áp lực trong tuần tới nếu dịch Covid-19 tiếp tục lan rộng ở nhiều nơi trên thế giới.Dự báo thất vọng của EIA cũng gây sức ép đối với thị trường năng lượng”./.