Mặc dù leo dốc trong phiên 14/6, giá "vàng đen" vẫn chứng kiến tuần mất giá vì xung đột thương mại Mỹ - Trung đe dọa gây suy giảm nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu.
Trong phiên ngày 10/6, giá dầu sụt hơn 1%, trong đó giá dầu Brent giảm 1 USD (tương đương 1,6%) xuống 62,29 USD/thùng, còn giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ hạ 73 xu Mỹ (khoảng 1,4%) xuống 53,26 USD/thùng.
Tranh chấp thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là nhân tố chủ đạo chi phối thị trường dầu phiên này, cùng với việc Ả Rập Saudi - nhà sản xuất dầu hàng đầu của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và Nga chưa nhất trí về việc gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng.
Sang phiên 11/6, giá dầu biến động nhẹ khi thị trường thận trọng trước tình hình nhu cầu tăng chậm hơn trong khi các nước trong và ngoài OPEC có thể xem xét khả năng gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản xuất.
Giới đầu tư dầu mỏ vẫn quan ngại về tình trạng kinh tế toàn cầu giảm tốc sẽ tác động tiêu cực tới nhu cầu dầu thô.
Đến phiên ngày 12/6, giá dầu lao dốc xuống chạm mức thấp nhất trong gần 5 tháng, khi số liệu cho thấy dự trữ dầu thô của Mỹ tăng lên trong lúc triển vọng nhu cầu toàn cầu yếu đi.
Trong phiên giao dịch ngày 13/6, giá dầu tăng tới 4,5% do tác động của vụ tấn công 2 tàu chở dầu xảy ra gần Iran và eo biển Hormuz, một tuyến đường huyết mạch trong vận tải dầu lửa toàn cầu.
Vụ tấn công tàu chở dầu trên Vịnh Oman đã khiến căng thẳng ở vùng Vịnh gia tăng trở lại sau vài tuần tạm lắng. Tổng thống Donald Trump ngày 14/6 cáo buộc Iran thực hiện vụ tấn công này, trong khi Tehran tiếp tục phủ nhận những cáo buộc như vậy. Đây là lần thứ hai trong vòng 1 tháng tàu chở dầu bị tấn công ở khu vực này, trong bối cảnh căng thẳng Mỹ và Iran gia tăng.
Giá “vàng đen” tiếp tục tăng nhẹ trong ngày 14/6, một ngày sau khi cuộc tấn công vào 2 tàu chở dầu ở vịnh Oman.
Cũng trong ngày 14/6, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ toàn cầu và nói rằng nguồn cung trên thị trường “quá dồi dào” để đáp ứng sự tăng trưởng nhu cầu này.
“Bất ổn địa chính trị đã mang đến sự hỗ trợ tích cực cho giá dầu, và tùy vào các sự kiện, có thể tạo ra đột biến cao hơn, tuy nhiên các yếu tố cơ bản về nhu cầu và nguồn cung tiếp tục đang gây áp lực cho thị trường năng lượng”, Tyler Richey - đồng biên tập tại Sevens Report Research, đánh giá.
Chốt phiên giao dịch này, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ tăng 23 xu Mỹ (tương đương 0,4%) lên 52,51 USD/thùng. Cuộc tấn công tàu chở dầu ở vịnh Oman đã đẩy giá dầu WTI tăng vọt 2,2% trong ngày 13/6, nhưng không thể bù đắp đà lao dốc 4% ở phiên trước đó. Giá mặt hàng dầu này giảm 2,7% trong tuần qua.
Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 8 nhích 70 xu Mỹ (tương đương 1,1%) lên mức 62,01 USD/thùng, sau khi leo dốc 2,2% ở phiên 13/6. Tính chung trong tuần, giá dầu Brent sụt 2%.
Mặc dù vậy, giá dầu thế giới vẫn đang chịu sức ép từ nỗi lo tăng trưởng kinh tế thế giới chững lại, tác động tiêu cực đến triển vọng nhu cầu dầu mỏ.
Nhà quản lý quỹ John Kilduff thuộc Again Capital nhận xét: "Triển vọng nhu cầu tiêu thụ dầu suy yếu đang kìm hãm giá dầu, bất chấp căng thẳng ở vùng Vịnh". Theo chuyên gia Kilduff, kinh tế toàn cầu giảm tốc đang khiến nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu suy yếu, lấn át tác động của căng thẳng Mỹ - Iran đối với thị trường dầu mỏ. Vì vậy, giá dầu nhiều khả năng sẽ tiếp tục giằng co trong thời gian tới.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) hôm 14/6 đã cắt giảm 100.000 thùng/ngày trong dự báo tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu 2019, về mức 1,2 triệu thùng/ngày, trên cơ sở căng thẳng thương mại. Tuy nhiên, cơ quan có trụ sở ở Paris này nói rằng nhu cầu dầu của thế giới có thể tăng trưởng ở mức 1,4 triệu thùng/ngày trong 2020.
Trước đó, hôm 13/6, OPEC cũng đã hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu, về mức thậm chí còn thấp hơn dự báo mà IEA đưa ra, chỉ 1,14 triệu thùng/ngày./.