Thị trường năng lượng giao dịch khởi sắc trong phiên này khi Ả Rập Saudi, nhà lãnh đạo thực tế của OPEC và là nhà xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới, đang thúc đẩy các nước đồng minh gia hạn thỏa thuận cắt giảm nguồn cung tại cuộc họp chính sách trong tuần này, nhằm cân bằng cung cầu trong năm 2020.
Cụ thể, giá dầu Brent tăng 19 xu Mỹ, tương đương 0,3%, lên 61,11 USD/thùng sau khi nhích 0,7% trong phiên giao dịch trước đó.
Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ cũng cộng 21 xu Mỹ, tương đương 0,4%, lên mức 56,17 USD/thùng. Giá mặt hàng dầu này cũng đã leo dốc 1,4% khi chốt phiên 2/12.
OPEC và các nhà sản xuất dầu chủ chốt khác, dẫn đầu là Nga, còn được gọi là nhóm OPEC+, đang thảo luận về kế hoạch tiếp tục kéo dài thỏa thuận cắt giảm khoảng 1,2 triệu thùng hiện tại đến tháng 6/2020, song sẽ cắt giảm thêm 400.000 thùng/ngày, theo hai nguồn quen thuộc với OPEC.
Ả Rập Saudi đang thúc đẩy kế hoạch cắt giảm nguồn cung ra thị trường của nhóm OPEC+ trước thời điểm niêm yết cổ phiếu của công ty dầu mỏ quốc gia Saudi Aramco, các nguồn tin này cho biết.
Dự kiến, các bộ trưởng của OPEC sẽ họp tại Vienna (Áo) vào ngày 5/12 và nhóm OPEC+ sẽ có cuộc thảo luận về chính sách dầu mỏ trong ngày 6/12.
Tuy nhiên, hiện những lo ngại về việc Mỹ và Trung Quốc, hai quốc gia tiêu thụ dầu mỏ lớn nhất thế giới, thất bại trong việc đạt một thỏa thuận thương mại sơ bộ nhằm giải quyết cuộc tranh chấp thương mại kéo dài 17 tháng đang gây áp lực lên giá dầu, cùng với dữ liệu kinh tế của Mỹ.
Tổng thống Trump cho rằng Trung Quốc muốn đạt thỏa thuận thương mại, “nhưng chúng tôi sẽ xem điều gì xảy ra”. Ông Trump đưa ra bình luận này trong bối cảnh căng thẳng giữa hai siêu cường kinh tế “tăng nhiệt” từ tuần trước sau khi người đứng đầu Nhà Trắng ký ban hành đạo luật ủng hộ người biểu tình tại Hồng Kông (Trung Quốc).
Tuy nhiên, một cố vấn cấp cao của Tổng thống Donald Trump hôm 2/12 cho biết một thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung sơ bộ có thể vẫn được ký kết vào cuối năm nay, và nói thêm rằng giai đoạn đầu tiên của thỏa thuận đã được đưa ra, nhưng các cuộc đàm phán vẫn đang được tiến hành trong nhiều tuần qua.
Theo công bố ngày 2/12 của Viện Quản lý Cung ứng (Mỹ), hoạt động sản xuất chế tạo tại Mỹ trong tháng 11 tiếp tục trượt dốc. Chỉ số Nhà quản trị Mua hàng (PMI) của Mỹ do Viện Quản lý Cung ứng công bố giảm còn 48,1 điểm trong tháng 11, trượt sâu hơn dự báo 49,4 điểm trước đó.
Ngoài ra, thị trường năng lượng có thể chịu tác động sau khi Tổng thống Trump bất ngờ dọa tái đánh thuế đối với thép và nhôm nhập khẩu từ Brazil và Argentina.