Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá dầu thô giảm khá sâu

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Phát biểu của OECD đã làm xóa mờ những tác động tích cực từ các số liệu khả quan mới về nền kinh tế Mỹ cũng như tin tức liên quan tới việc Hy Lạp được các chủ nợ chấp thuận giải cứu.

Giá dầu thô giảm khá sâu - Ảnh 1

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Theo dự đoán mới nhất của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay và năm tới có khả năng chỉ đạt 1,4%, do những tín hiệu hồi phục ngập ngừng và không đồng đều. Các nhà phân tích năng lượng cho rằng, dự báo của OECD đã phủ màu u ám lên bức tranh triển vọng tiêu thụ năng lượng.

OECD còn cho rằng, vực thẳm ngân sách của Mỹ, nếu trở thành hiện thực thì có thể đẩy nền kinh tế đầu tàu vốn dĩ đang yếu ớt này trở lại suy thoái, trong khi cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu chưa được giải quyết có thể dẫn tới một cú sốc tài chính và sự đi xuống của nền kinh tế toàn cầu.

Mặc dù sau 12 giờ thương lượng trong cuộc gặp lần ba vào ngày 26/11, các bộ trưởng tài chính Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) đã đạt thỏa thuận mới với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về các biện pháp để giảm nợ và giải ngân khoản cứu trợ tiếp theo dành cho Athens nhằm giúp nước này thoát khỏi bờ vực phá sản, song nhiều nhà đầu tư vẫn tỏ ra hoài nghi về hiệu quả của động thái này đối với nền kinh tế Hy Lạp.

Điều này đã khiến giá dầu tại thị trường Mỹ tiếp tục giảm sâu trong phiên giao dịch ngày 27/11, bất chấp các số liệu kinh tế tích cực mới từ quốc gia tiêu thụ dầu mỏ lớn nhất thế giới này.

Chưa hết, cuối ngày hôm qua, lãnh đạo khối đa số Dân chủ tại Thượng viện Mỹ Harry Reid nói rằng chỉ có chút tiến triển trong các cuộc hội đàm gần đây về giải quyết vấn đề vực thẳm ngân sách. Phát biểu của ông Reid đã đổ thêm dầu vào lửa, khi mà chỉ còn hơn một tháng nữa, những nguy hại từ vực thẳm ngân sách sẽ thành hiện thực.

Cũng trong ngày hôm qua, Viện Dầu khí Mỹ công bố báo cáo ban đầu về lượng cung năng lượng trong tuần kết thúc ngày 23/11 vừa qua. Theo báo cáo này, lượng cung dầu thô đã tăng 2 triệu thùng, cung xăng tăng 2,3 triệu thùng, còn các chế phẩm khác từ dầu tăng 268.000 thùng. Bản báo cáo cũng gây tác động mạnh tới thị trường.

Chốt phiên này, giá dầu ngọt nhẹ New York tại Mỹ giao tháng 1/2013 giảm 56 xu, xuống mức 87,18 USD/thùng. Trong khi tại London, giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn cũng hạ 1,05 USD xuống còn 109,87 USD/thùng.

Cùng chiều với dầu thô, giá dầu sưởi giao tháng 12 giảm gần 4 cent, tương ứng 1,2%, xuống còn 3,01 USD/gallon. Trong khi giá xăng hợp đồng cùng kỳ tăng nhẹ 0,2%, lên 2,73 USD trên mỗi gallon. Giá mặt hàng khí tự nhiên cũng giao trong tháng 12 tăng được 4 cent, tương ứng với 1,1%, lên chốt ngày 27/11 ở 3,77 USD/ triệu BTU.

Chuyên gia phân tích Matt Smith thuộc công ty Summit Energy cho biết: "Một vài số liệu kinh tế đáng khích lệ đã xuất hiện tại Mỹ, song thị trường dường như chỉ tập trung vào những gì đang diễn ra tại châu Âu."

Đầu phiên này, giá dầu có xu hướng đi lên ngay sau khi các bộ trưởng tài chính Eurozone và IMF đã đi đến nhất trí cắt giảm số nợ trị giá 40 tỷ euro (52 tỷ USD) cho Hy Lạp, đưa tỷ lệ nợ của nước này xuống 124% GDP vào năm 2020, dưới 110% GDP vào năm 2022 và sau đó sẽ giải ngân 43,7 tỷ euro khoản cứu trợ tiếp theo cho "Xứ sở các vị Thần" sau nhiều tháng trì hoãn.

Tuy nhiên, trước thông tin này, hãng xếp hạng tín dụng Fitch đã nhận định: "Thỏa thuận giữa Eurozone và IMF có thể ngay lập tức xoa dịu mối đe dọa về nguy cơ Hy Lạp bị vỡ nợ và phải ra khỏi Liên minh tiền tệ gồm 17 quốc gia này. Song câu hỏi chính được đặt ra lúc này là gói cứu trợ này sẽ được sử dụng như thế nào và những rủi ro tài chính đối với nước này vẫn còn rất cao."