Cụ thể, dầu thô Brent kỳ hạn giao dịch ở mức 58,25 USD/thùng, tăng 10 xu Mỹ, tương đương 0,2% so với đóng cửa phiên trước. Dầu thô ngọt nhẹ WTI kỳ hạn ở mức 52,11 USD/thùng, tăng 7 xu Mỹ, hay 0,1%.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ ngày 18/10 cho biết, dự trữ dầu thô của nước này giảm 5,7 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 13/10, xuống 456,49 triệu thùng. Sản lượng khai thác dầu thô của Mỹ cũng giảm 11% trong tuần trước, xuống 8,4 triệu thùng/ngày, mức thấp nhất kể từ tháng 6/2014, khi hoạt động sản xuất bị đình trệ do bão Nate đổ bộ vào bờ biển vùng Vịnh hồi đầu tháng này.
Bên cạnh việc sản lượng của Mỹ sụt giảm, các nhà phân tích cho rằng nguồn cung dầu toàn cầu có thể bị gián đoạn do tình hình chính trị bất ổn tại Iraq và căng thẳng giữa Mỹ và Iran .
Xuất khẩu dầu mỏ của khu vực người Kurd , Iraq , giảm hơn một nửa trong ngày 18/10 do Quân đội Iraq đã giành lại quyền kiểm soát gần như toàn bộ các giếng dầu ở Kirkuk sau khi các tay súng người Kurd rút khỏi. Xuất khẩu dầu của người Kurd từ cảng Ceyhan, Địa Trung Hải đã giảm xuống chỉ 225.000 thùng/ngày trong ngày 18/10 so với dòng chảy bình thường 600.000 thùng/ngày.
Ngân hàng Goldman Sachs của Mỹ ước tính nếu tình hình chiến sự lan rộng thì sản lượng có thể giảm 500.000 thùng/ngày. Điều này cũng tác động mạnh đến giá dầu.
Theo ngân hàng Mỹ Citi Bank, sản xuất dầu mỏ của Iran có thể chứng kiến nguy cơ gián đoạn nguồn cung do Mỹ dọa hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân năm 2015 với Tehran, cho Quốc hội 60 ngày để đưa ra quyết định về hành động tiếp theo.
Ngoài ra, giới phân tích nhận định nguồn cung dầu sẽ thắt chặt hơn khi các thành viên trong và ngoài OPEC, bao gồm Nga, được dự đoán nhiều khả năng sẽ gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng sau khi hết hạn vào tháng 3/2018.
Shane Chanel, cố vấn về chứng khoán và sản phẩm phái sinh của ASR Wealth Advisers đánh giá: "OPEC đang có quyết tâm cao nhằm đưa thị trường về trạng thái cân bằng, giải quyết lượng dự trữ dư thừa. Tôi dự đoán OPEC và Nga có thể nhất trí gia hạn thỏa thuận thêm 9 tháng".
Theo Eurasia Group, tập đoàn tư vấn rủi ro chính trị, các kế hoạch niêm yết của Công ty Aramco (Ả Rập Saudi) cũng ủng hộ việc gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC để hỗ trợ giá dầu.