Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Gia đình] Tiếng đàn mùa dịch

Cát Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chị gặp anh trong một buổi do… mấy anh em trong cơ quan sắp đặt. Không hiểu sao chị lại cảm mến anh ngay từ đầu dù không hiểu nhiều gì về anh, ngoài tiếng guitar bập bùng ở buổi hẹn.

Chị chỉ biết anh là cán bộ nhà nước, chuyên về công tác thông tin - tuyên truyền. Chuyện để mấy người trong trường nơi chị dạy học nhân buổi liên hoan tổ chức cho chị gặp anh đơn giản chỉ là vì anh là đồng hương với chị. Buổi gặp mặt rất đơn giản, tuy cũng có bia, nước ngọt, chủ yếu là ai thích hát thì anh đệm đàn cho.
Ảnh minh họa.
Chị thấy anh đã luống tuổi nhưng nét mặt dáng vẻ thư sinh, đặc biệt anh đánh đàn rất hay, tiếng đàn nghe có hồn. Đặc biệt, anh rất ít nói (dù là người làm công tác truyên truyền), không uống bia, chỉ đệm đàn cho ai yêu cầu mà thôi. Ai cũng hiểu đây là cuộc vui để giúp cho anh và chị gặp gỡ buổi đầu tiên nên cố góp vui. Còn anh lẳng lặng không hề nói câu gì suốt cả buổi. Đến nỗi, cuối buổi phải có người nhắc anh, chị cho nhau số điện thoại đi, lúc đó anh mới nói: “Em cho anh số điện thoại đi…”.

Chị là giáo viên dạy toán, nhan sắc trên trung bình, có thể nói là đẹp. Đặc biệt, nhìn chị người ta thấy sự dịu dàng, ấm áp của người con Hà Nội. Chị dạy toán nên tính tình có vẻ khô khan, khó gần. Cũng có lẽ do đó, chị ít tiếp xúc, ít tham gia các cuộc vui đông người và chưa thực sự để ý đến chàng trai nào cả.

Mãi hơn 3 tháng sau, chị nhận được cuộc gọi của anh đúng vào lúc đang đứng lớp. Chị xin phép lớp, rồi bước nhanh ra ngoài. “A lô, em đấy à! Em rảnh không, đi cà phê với anh nhé…”, giọng anh thoang thoảng như tiếng đàn xa xăm. Có lẽ lúc đó do quá bất ngờ, lại trong lúc đang giờ dạy, chị trả lời: “Vâng anh” rồi tắt máy.

Hôm đó, chị nhận được tin nhắn của anh về giờ hẹn, điểm hẹn. Chị đến góc quán cà phê nho nhỏ trong con phố nhỏ thì đã thấy anh ngồi chờ. Họ ngượng ngùng chào hỏi nhau vài câu, rồi anh lại lặng lẽ cầm guitar dạo những khúc nhạc trữ tình…

Chị không nhớ là mình đã nhận lời lấy anh làm chồng lúc nào nữa. Thế rồi, gia đình chị phải chuyển vào TP Hồ Chí Minh sinh sống vì anh phải chuyển vào công tác trong đó.

Cuộc sống cũng không thay đổi nhiều dù phải làm quen với môi trường mới. Chị ra dạy một trường tư, lương thưởng cũng khá. Còn anh thì vẫn vậy, cuộc sống của cán bộ văn hóa không thay đổi nhiều. May mắn là anh chị được sự hỗ trợ của nội ngoại nên mua được căn nhà nho nhỏ ở ngoại ô, nơi muốn vào nhà phải đi qua nhưng ngõ nhỏ ngoằn nghèo… Rồi anh chị có 1, rồi 2 đứa nhỏ. Dần dần có thêm con, mức thu nhập không đổi nên cuộc sống gia dình có khó khăn hơn. Cũng có lúc, chị bàn với anh tìm cách này, cách nọ kiếm thêm thu nhập để cải thiện đời sống gia đình. Những lúc này, anh chỉ cười cười, cầm đàn ra dạo. Tính anh vậy, anh không có nhu cầu cao về đời sống vật chất nên cũng không khao khát kiếm tiền. Vả lại anh cũng không là con người hoạt bát trong lĩnh vực này.

Thế là chị phải bươn chải để kiếm sống thêm, từ việc nhận thêm giờ, nhận dạy thêm đến bán hàng online. Tuy nhiên, ngoài đi làm, anh cũng đỡ đần cho chị bằng cách giúp chị đưa đón hai con, phụ nấu ăn, trông coi chúng học thêm ở nhà và dạy đàn cho chúng.

Điều khó khăn xảy ra khi đại dịch Covid-19 ập đến, Sài Gòn luôn luôn căng thẳng trong lo về tai họa sẽ ập đến cho mỗi người. Công việc ngưng trệ, chị nghỉ dạy, lũ trẻ không đến trường… Gia đình chị tuy may mắn hơn những gia đình đang ở phòng trọ nhưng không dư dả gì nhiều nên khiến chị lo lắng. Anh cũng ở nhà làm việc trực tuyến là chủ yếu. Những lúc như thế, chị thấy anh cứ điềm nhiên như không có gì làm chị bực bội.

Một tối, anh nói với chị về dịch bệnh, về sự chuẩn bị lương thực, thuốc men, về sự tin tưởng vào nhà nước sẽ hỗ trợ về y tế nếu có chuyện gì xảy ra… Rồi chốt câu: “Em đừng lo nhiều nhé”. Anh nói rồi, cầm guitar ngồi xuống bàn và những âm thanh da diết lại vang lên. Chị hồi tưởng góc cà phê ngày ấy thật êm đềm…