Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giá gia cầm giảm mạnh: Hệ lụy từ tăng nóng đàn

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong khi giá thịt lợn đang tăng cao từng ngày và vượt mức kỷ lục nhiều năm nay thì giá gà lại quay đầu giảm mạnh. Đây chính là hệ lụy của việc không tuân thủ tín hiệu từ thị trường.

Thua lỗ vì giá thấp
Hơn hai tháng nay, người chăn nuôi gà như ngồi trên đống lửa vì giá gà liên tục giảm sâu xuống mức kỷ lục, trong đó thấp nhất là gà công nghiệp. Có thời điểm, giá gà công nghiệp lông trắng giảm xuống chỉ còn 12.000 – 13.000 đồng/kg, còn gà lông màu chỉ quanh mức 30.000 đồng/kg. Thời điểm này, tuy giá gà lông trắng đã nhích lên khoảng 22.000 đồng/kg nhưng người chăn nuôi vẫn thua lỗ, vì chi phí sản xuất tối thiểu phải 25.000 đồng/kg.
Trang trại của bà Quách Thị Nga, xã Ba Trại (huyện Ba Vì) hiện đang nuôi 8.000 con gà công nghiệp. Thời gian để nuôi một lứa gà công nghiệp chỉ từ 35 – 40 ngày là xuất bán, do đó, trung bình có thể quay vòng nuôi 5 lứa/năm.
 Chăn nuôi gà tại Ba Vì. Ảnh: Phương Nga
“Tháng trước, gia đình tôi vừa xuất một lứa gà với giá 16.000 đồng/kg. Tính ra, tôi đã phải bù lỗ hơn 20 triệu đồng” – bà Nga cho hay.
Cùng với đó, các cơ sở sản xuất gà giống cũng gặp cảnh lao đao khi giá xuống thấp mà không bán được. Anh Trần Văn Hiệu – một hộ chuyên sản xuất gà giống ở xã Tiên Dương, huyện Đông Anh cho biết, trung bình mỗi tháng, cơ sở của anh xuất ra thị trường 1 triệu con gà giống. Giá gà giống một ngày tuổi đang bán 12.000 đồng/kg, giảm 2.000 đồng/kg so với tháng trước và giảm 4.000 đồng/con so với cùng kỳ năm 2018.
“Khoảng 2 tuần nay, việc xuất hàng rất khó khăn, tôi phải hạ giá bán tháo vì lượng sản xuất ra quá lớn”– anh Hiệu chia sẻ.
Điều đáng nói, trong khi giá gà giảm, giá thức ăn chăn nuôi vẫn cao. Hiện, loại thức ăn cho gà có giá thấp nhất cũng 250.000 đồng/bao 25kg. Theo tính toán của người chăn nuôi, với giá gà từ 12.000 – 14.000 đồng/kg và giá cám như hiện nay thì cứ 1.000 con gà đến khi xuất chuồng sẽ lỗ từ 20 – 25 triệu đồng.
Chăn nuôi phải theo tín hiệu thị trường
Theo đánh giá, nguyên nhân khiến thị trường gà ảm đạm là do cung vượt cầu. Sau khi chịu ảnh hưởng bởi dịch tả lợn châu Phi, hầu hết các địa phương chưa khuyến khích người chăn nuôi tái đàn lợn nên trong lúc chờ dịch đi qua, nhiều hộ chuyển đổi sang chăn nuôi gà, khiến đàn gà tăng đột biến. Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng, đến nay, tổng đàn gà của TP vào khoảng 23,5 triệu con, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài nguồn cung tại thị trường nội địa tăng mạnh, lượng gà nhập khẩu về nhiều với giá rẻ cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới giá gà giảm mạnh trong thời gian qua. Chỉ tính riêng 8 tháng đầu năm 2019, Việt Nam nhập khẩu hơn 98.000 tấn thịt gà. Giá nhập khẩu trung bình các sản phẩm thịt gà dao động từ 0,8 – 1 USD/kg, chủ yếu là đùi, cổ, cánh, chân.
Theo Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Xuân Dương, hiện nay cơ cấu lượng thịt ở nước ta đang là lợn 70%, gia cầm 20%, trâu bò chiếm 7%, còn lại là các loại thủy sản và các loại thịt khác. Vì vậy, Bộ NN&PTNT đã có chủ trương nâng tỷ lệ gia cầm và đại gia súc trong cơ cấu các loại thịt. Tuy nhiên, cũng chỉ tăng thêm 7% đối với gia cầm, còn nếu tăng nóng nguồn thịt thì sẽ gây nhiều rủi ro cho chính người chăn nuôi.
Vì vậy, để tránh rơi vào cảnh “được mùa mất giá”, người chăn nuôi nên căn cứ vào tín hiệu thị trường để tái đàn, không nên làm theo phong trào. Các địa phương cần thúc đẩy sản xuất gia cầm theo quy hoạch, không phát triển tràn lan. Theo đó, chú trọng chăn nuôi an toàn sinh học, xây dựng vùng an toàn dịch bệnh để hướng tới thị trường xuất khẩu.
Ông Dương cũng lưu ý, cần phát triển các chuỗi sản xuất khép kín, hướng đến các mô hình trang trại thay vì nông hộ như hiện nay. Cùng với đó, đẩy mạnh phát triển các sản phẩm chế biến nhằm tránh các rào cản đối với các quốc gia có hàng rào kiểm dịch và an toàn vệ sinh thực phẩm cao.

Để bù đắp lượng thực phẩm thiếu hụt do dịch tả lợn châu Phi, Bộ NN&PTNT có chủ trương tăng khoảng 7% tổng đàn gia cầm nhưng chỉ tính riêng trong 8 tháng, tổng đàn gia cầm cả nước đã tăng khoảng 10%, với 409 triệu con gia cầm, 11,6 tỷ quả trứng.