Theo dữ liệu trên sàn giao dịch ICE, giá khí đốt tại châu Âu giảm khoảng 4,5% trong phiên giao dịch ngày thứ Ba nhờ việc bơm khí đốt tới Đức qua đường ống Yamal-Europe được khôi phục và kế hoạch tăng cường vận chuyển qua Ukraine đến Slovakia.
Cụ thể, giá khí đốt kỳ hạn giao tháng 12 tại trung tâm TTF ở Hà Lan giảm còn 899,6 USD/1.000m3 (tương đương 75 Euro/MWh khi mở cửa phiên giao dịch ngày 9/11.
Thông báo của nhà điều hành vận chuyển khí đốt Gascade của Đức cho biết việc bơm khí đốt sang Đức qua tuyến đường ống Yamal-Europe đã hoạt động trở lại vào tối ngày 8/11 và tăng gấp đôi công suất trong sàng ngày 9/11.
Trước đó, hãng tin TASS hôm 6/11 đưa tin việc bơm khí sang Đức qua đường ống Yamal-Europe lại một lần nữa bị dừng lại và khí bắt đầu chảy theo chiều ngược lại. Theo thông báo của nhà điều hành Gascade, nguồn cung cấp khí đốt trực tiếp tới Đức thông qua đường ống dẫn khí Yamal-Europe đã được nối lại vào ngày 4/11, sau 5 ngày ngừng hoạt động và bơm khí theo chiều ngược lại.
Bên cạnh đó, nguồn khí đốt được vận chuyển quá cảnh từ Ukraine đến Slovakia trong ngày 9/11 đã tăng từ 75,22 triệu m3/ngày lên gần 83 triệu m3/ngày.
Giá khí đốt tại châu Âu biến động mạnh trong những tháng gần đây và liên tục thiết lập các mức giá kỷ lục, vượt 1.000 USD/1.000 mét khối và tăng lên 2.000 USD/1.000m3.
Các nhà quan sát cho rằng một trong những nguyên nhân khách quan dẫn đến cuộc khủng hoảng khí đốt là sự tăng trưởng bùng nổ của nhu cầu khí đốt tại châu Á. Bên cạnh đó, tình trạng khan hiếm năng lượng cũng do tỷ lệ sản xuất điện gió của châu Âu giảm mạnh trong năm nay. Tuy nhiên, nguyên nhân chính của sự biến động mạnh trên thị trường năng lượng là trữ lượng khí đốt của châu Âu trong năm nay giảm kỷ lục so với những năm gần đây.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã yêu cầu Gazprom tăng nguồn cung khí đốt dự trữ cho các công ty châu Âu sau khi tập đoàn dầu khí quốc gia Nga hoàn thành việc bơm khí cho các kho dự trữ tại Nga vào ngày 8/11.