Liên quan đến vụ san ủi trái phép ở huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai), Công an huyện Chư Sê đã chủ trì, phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân huyện, Hạt Kiểm lâm huyện, Ban quản lý rừng phòng hộ Chư Sê và UBND xã Ayun tiến hành khám nghiệm hiện trường vụ việc. Hành vi trên có dấu hiệu vi phạm trong lĩnh vực đất đai.
Đơn vị chức năng đã sử dụng máy định vị cầm tay GPS để khoanh đo, xác định vị trí, diện tích thực tế khu vực bị san ủi, đào bới.
Vị trí san ủi thuộc lô 26, khoảnh 6; lô 6, lô 8, lô 10 và lô 17 khoảnh 8, tiểu khu 1049, với tổng diện tích là 6,48 ha. Đối chiếu với Quyết định số 61/QĐ-UBND ngày 27/2/2024 của UBND tỉnh Gia Lai phê duyệt kết quả theo dõi diễn biến rừng và công bố hiện trạng rừng năm 2023 trên địa bàn tỉnh Gia Lai; Quyết định số 103/QĐ-UBND ngày 29/1/2024 của UBND huyện Chư Sê phê duyệt kết quả theo dõi diễn biến rừng và công bố hiện trạng rừng năm 2023 trên địa bàn huyện Chư Sê và bản đồ Quy hoạch lâm nghiệp Quốc gia thời kỳ giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 895/QĐ-TTg, ngày 24/8/2024, thì diện tích bị san ủi không có rừng, thuộc hiện trạng đất khác, đất nông nghiệp và đất trống ngoài quy hoạch lâm nghiệp.
Trao đổi với ông Đinh Mạnh Phong - Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Chư Sê được biết: “trong hơn 8.000 ha rừng, đất rừng ban đang quản lý, chúng tôi đang kiến nghị để làm thủ tục chuyển giao hơn 1.000 ha đất về cho địa phương quản lý sau khi phân 3 loại rừng. Do lịch sử để lại, nhiều diện tích cấp trên giao cho chúng tôi quản lý nhưng thực tế là người dân đã canh tác từ lâu nên xảy ra tình trạng chồng lấn”.
Liên quan đến số liệu bị lệch của các cơ quan chức năng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai thông tin đã chỉ đạo các đơn vị chức năng xác minh, xử lý vụ đào bới, diện tích bị san ủi trong lâm phần của Ban quản lý rừng phòng hộ Chư Sê. Đồng thời xem xét, xác định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc để xảy ra tình trạng đào bới, san ủi đất trên diên tích được giao quản lý mà không có biện pháp ngăn chặn kịp thời.