Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Gia Lâm ưu tiên phát triển nông nghiệp hàng hóa

Thiên Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù là huyện có tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, song trong quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện Gia Lâm vẫn rất chú trọng đến phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa nhằm nâng cao thu nhập cho người dân.

Chuyển dịch còn chậm

Tính đến nay, huyện Gia Lâm có 16/20 xã đạt chuẩn NTM, 2 xã Dương Quang và Kim Sơn đạt và cơ bản đạt từ 15 – 18 tiêu chí, phấn đấu về đích trong năm 2016, còn lại 2 xã Lệ Chi và Trung Mầu sẽ hoàn thành vào năm tiếp theo. Có thể nói, dù khởi đầu không mấy nổi bật và có phần lúng túng hơn các địa phương khác, song huyện Gia Lâm đang có chặng nước rút khá tốt. Tuy nhiên, một trong những vấn đề đáng quan tâm hiện nay là ngoài các tiêu chí về cơ sở hạ tầng như giao thông, thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa, 3/4 xã chưa đạt chuẩn NTM của huyện Gia Lâm đều “mắc” ở tiêu chí thu nhập.
Mô hình trồng hoa ly tại xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm. Ảnh: Minh Liễu
Mô hình trồng hoa ly tại xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm. Ảnh: Minh Liễu
Những năm qua, trên địa bàn huyện Gia Lâm bước đầu hình thành một số vùng sản xuất chuyên canh, tập trung và kinh tế trang trại cũng có bước phát triển, cho hiệu quả cao. Diện tích các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao ngày càng tăng như rau, hoa, cây cảnh, cây ăn quả… cho thu nhập 300 – 500 triệu đồng/ha/năm. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Mạnh Hùng – Trưởng phòng Kinh tế huyện Gia Lâm, việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi của huyện còn chậm, một số nơi nông dân chưa thực sự quan tâm phát triển sản xuất. Nông nghiệp chủ yếu vẫn là sản xuất quy mô nhỏ lẻ, phân tán, chất lượng nông sản và hiệu quả canh tác chưa cao.

Bên cạnh đó, việc chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi gắn với thực hiện quy hoạch vùng sản xuất còn chậm. Một số phương án chuyển đổi trên địa bàn còn sai mục đích và hiệu quả thấp. Đặc biệt, việc triển khai tổ chức dồn điền đổi thửa của huyện Gia Lâm cũng khá chậm, trong quá trình thực hiện còn lúng túng và thiếu chủ động. Đến nay, Gia Lâm là một trong số ít địa phương chưa hoàn thành dồn điền đổi thửa. Điều này cũng ảnh hưởng không nhỏ tới việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn, nhất là xã chưa hoàn thành xây dựng NTM như Dương Quang, Trung Mầu.

Tháo gỡ chính sách hỗ trợ

Lãnh đạo huyện Gia Lâm chia sẻ, xây dựng NTM là chương trình được huyện đặc biệt quan tâm, thể hiện ngay từ công tác lãnh đạo, chỉ đạo đến ưu tiên nguồn lực triển khai. Trong đó, Huyện ủy Gia Lâm đã ban hành Chương trình 09-CTr/HU về phát triển kinh tế từng bước vững chắc gắn với xây dựng NTM giai đoạn 2015 – 2020. Trong năm 2016, mặc dù nguồn vốn khó khăn nhưng huyện Gia Lâm quyết tâm đầu tư cho 2 xã Dương Quang và Kim Sơn về đích NTM đúng hẹn. Đồng thời, thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ trong sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế trang trại để nâng cao thu nhập cho người dân.

Ông Nguyễn Ngọc Thuần – Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm cho biết, từ nay đến cuối năm, huyện tập trung chỉ đạo hướng dẫn người dân thực hiện quy hoạch sản xuất nông nghiệp của 20 xã. Đồng thời, hoàn thiện Đề án phát triển nông nghiệp hàng hóa theo vùng chuyên canh giai đoạn 2016 – 2020 trên địa bàn gắn với đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất. Đáng chú ý, để nông dân yên tâm sản xuất, huyện Gia Lâm phấn đấu sớm hoàn thành dồn điền đổi thửa và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân.

Lãnh đạo huyện Gia Lâm đề nghị TP nghiên cứu điều chỉnh một số điểm chưa hợp lý để triển khai chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp và có cơ chế hỗ trợ thu hút DN, tạo điều kiện hình thành các DN nông nghiệp. “Chính sách hỗ trợ nên xuất phát từ cơ sở mới nhanh chóng đi vào cuộc sống được. Chẳng hạn, năm 2015, huyện được hỗ trợ hơn 1 tỷ đồng theo Nghị quyết 25 của HĐND TP nhưng do chỉ hỗ trợ giống chuối nên người nông dân không mặn mà đầu tư” – Phó Chủ tịch HĐND huyện Gia Lâm Phùng Huy Việt chia sẻ.